Thưởng Tết cần thiết thực, sát nhu cầu của người lao động

Trong không khí cả nước đang chuẩn bị chào đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cũng là dịp người lao động (NLÐ) mong chờ doanh nghiệp (DN) thông báo thưởng Tết.

Thưởng Tết cần thiết thực, sát nhu cầu của người lao động

Ðiều 103 Bộ luật Lao động 2012 không quy định bắt buộc DN phải có tiền Tết cho NLÐ mà chỉ có quy định chung về tiền thưởng. Theo đó, tiền thưởng là khoản tiền mà chủ DN thưởng cho NLÐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của NLÐ. Bộ luật Lao động (sửa đổi) 2019 vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, cụ thể tại Ðiều 104, quy định về "thưởng" thay vì "tiền thưởng". Trong đó quy định rõ: thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động (NSDLÐ) thưởng cho NLÐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLÐ.

Như vậy, có thể thấy tại Luật Lao động sửa đổi, không có quy định bắt buộc DN phải thưởng Tết bằng tiền mặt, cũng như thưởng vào các ngày lễ khác cho NLÐ mà còn mở rộng các hình thức thưởng khác, cho phép NSDLÐ có thể thưởng cho NLÐ bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của DN.

Ðại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng việc quy định nhiều hình thức thưởng thay vì chỉ thưởng bằng tiền nhằm mở rộng phạm vi, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống. Trên thực tế, ngoài tiền mặt, các DN đã, đang có nhiều hình thức khuyến khích NLÐ như thưởng cổ phiếu, vàng, các chuyến tham quan du lịch... Thậm chí, có DN thưởng bằng hiện vật có giá trị như: tủ lạnh, ti-vi, ô-tô hay xe máy. Bên cạnh quy định đa dạng hình thức thưởng, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định, quy chế thưởng do NSDLÐ quyết định, công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLÐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLÐ tại cơ sở. Như vậy, khi chủ DN xây dựng và ban hành quy chế thưởng, tập thể NLÐ có thể kiến nghị khi nhận thấy việc thưởng không hợp lý.

Thực tế, vài năm trở lại đây, cứ tới dịp Tết lại có chuyện DN thưởng Tết bằng các hiện vật "của nhà trồng được". Có nơi, NLÐ được nhận thưởng bằng những hiện vật là hàng tồn kho, hàng ế của DN. Hiện vật mà DN thưởng cho NLÐ rất phong phú, đa dạng: từ bàn chải đánh răng, quần đùi, gạch, bít tất đến mì chính, dầu ăn, tương ớt, thậm chí bếp ga công nghiệp...

Việc thưởng Tết cần ưu tiên đáp ứng nhu cầu chính đáng của NLÐ. Cần chú ý việc công nhân, lao động quanh năm đi làm ăn xa nhà, việc đi lại cuối năm còn gặp khó khăn về phương tiện đi lại, việc mang theo hiện vật DN thưởng về quê hương không phải lúc nào cũng thuận lợi cho NLÐ. Việc thưởng Tết bằng tiền sẽ thuận tiện cho việc đi lại, chủ động mua sắm theo nhu cầu, phù hợp với kinh tế. Trong trường hợp linh động, có thể kết hợp thưởng bằng cả tiền và hiện vật, tuy nhiên, phải là những đồ gia dụng hữu ích cho cuộc sống gia đình.

Theo các chuyên gia lao động, nhằm bảo đảm quyền lợi của chính mình, trước khi ký hợp đồng lao động, NLÐ cần xem xét kỹ những điều khoản, tiền thưởng và phúc lợi của DN. Trong quá trình tiến hành ký kết Thỏa ước lao động tập thể, ba bên: công đoàn, đại diện NLÐ, chủ DN cần làm rõ, cụ thể hóa, trường hợp nào thì thưởng bằng hiện vật, trường hợp nào bằng tiền nhằm bảo đảm sự hài hòa, góp phần xây dựng tốt mối quan hệ giữa DN và NLÐ.

Có thể nói, việc thưởng Tết là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam, là thước đo "sức sống" của DN sau một năm kinh doanh, sản xuất. Ông cha ta có câu: "Của cho không bằng cách cho", việc thưởng Tết cũng là một dịp DN thể hiện tấm lòng tri ân đối với NLÐ sau một năm họ cống hiến. Ðối với những DN khó khăn, NLÐ sẵn sàng cảm thông, chia sẻ nếu như họ thật sự cảm thấy được sự chân thành, cho dù giá trị món quà không mang ý nghĩa nhiều về vật chất.