Thuốc giả và y đức

Vụ án tại VN Pharma tạm khép lại bằng án tù dành cho các bị cáo. Về mặt pháp luật, đây là cái giá phải trả cho hành vi sai trái của những người làm giàu trên bệnh tật của người dân. Nhưng, chúng ta sẽ còn mãi giật mình bởi những câu hỏi: Số tiền 7,5 tỷ đồng lót tay được khai là chi cho các bệnh viện và bác sĩ, vậy họ là những ai? Tại sao một bộ hồ sơ giả từ đầu đến cuối lại dễ dàng qua mặt được cả một hệ thống quản lý với nhiều quy trình, thủ tục và trang thiết bị hiện đại của Bộ Y tế?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ai cũng biết, tiền lót tay là luật chơi của thị trường, số tiền hoa hồng mà các bị cáo trong vụ án VN Pharma khai đã chi ra sẽ không được ký nhận và cũng không được kê trong sổ sách. Việc tìm ra ai là người đã nhận những khoản tiền này là trách nhiệm của cơ quan tố tụng. Phải có câu trả lời thỏa đáng là điều nhân dân cần. "Có bệnh thì vái tứ phương", chẳng ai lại mặc cả khi đi mua thuốc.

Vậy mà trong vụ án này, có một sự thật khác đau lòng hơn được hé lộ. Những người luôn được xem như "từ mẫu" lại nỡ nhận tiền lót tay để kê khống giá thuốc, làm giả hợp đồng mua bán, qua đó nhập thuốc một cách vô tội vạ, cả về số lượng lẫn chất lượng. Đâu cần phải có công đường, bản án lương tâm ngay từ lúc này đã dành cho những bác sĩ đã, đang và sẽ kê những đơn thuốc không rõ nguồn gốc, nhất lại là thuốc chữa ung thư cho những bệnh nhân đau khổ.

Tại phiên tòa, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã phân tích những kẽ hở trong quản lý đối với ngành dược hiện nay. Đó là bên cạnh việc mua bán thuốc giả, kém chất lượng, để lại hậu quả nặng nề cho người dân, còn có sự tha hóa của một bộ phận bác sĩ khi đang tâm nhận hoa hồng để kê đơn thuốc kém chất lượng đến người bệnh. Chín nghìn hộp thuốc H-Capita 500 mg mà VN Pharma nhập về chứa 97% hoạt chất capecitabine đã lọt qua nhiều vòng thẩm định hồ sơ, được cấp số đăng ký, đã trúng thầu để cung cấp cho nhiều bệnh viện lớn trong toàn quốc.

Là đại diện cơ quan chức năng của Nhà nước, "gác cửa" cho toàn bộ hệ thống dược phẩm nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, nếu những người ở Cục Quản lý dược có tinh thần trách nhiệm, thì sẽ không để xảy ra vụ hàng nghìn hộp thuốc chữa ung thư chưa đủ chất lượng lọt qua được tổ thẩm định với nhiều quy trình, thủ tục, các trang thiết bị hiện đại như vậy.

Vụ việc xảy ra VN Pharma không chỉ là hồi chuông cảnh báo tình trạng giá thuốc ngất ngưởng và thiếu quản lý đồng bộ về quy trình xuất, nhập, sử dụng thuốc hiện nay. Y đức không chỉ là thái độ hay trách nhiệm. Nó còn là bản lĩnh trước cám dỗ, trước những thách thức của nghề. Lời thề Hypocrate luôn là kim chỉ nam cho những người được mệnh danh là "từ mẫu" của nhân dân.