Thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để giảm giá thịt lợn

Gần hai tháng qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã tập trung chỉ đạo, định hướng sản xuất, điều tiết thị trường nhằm đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg, và dần hướng tới xuống 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trên thực tế giá lợn hơi vẫn không giảm, thậm chí còn tăng cao, vào thời điểm cuối tháng 5 đã cán mức khoảng 100.000 đồng/kg ở nhiều địa phương trong cả nước, khiến giá thịt lợn tăng lên gần gấp hai lần.

Vì sao giá thịt lợn không chịu "hạ nhiệt" mà luôn tăng kể từ cuối năm 2019 đến nay? Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do mất cân đối cung - cầu mặt hàng này trên thị trường. Do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện ở nước ta từ tháng 2-2019 đến nay, khiến số lợn buộc phải tiêu hủy là gần sáu triệu con, dẫn đến hệ lụy nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng (hiện vẫn thiếu khoảng 17% so với cùng kỳ năm trước).

Việc tăng đàn, tái đàn ở các tỉnh, thành phố mặc dù đã được thúc đẩy, nhưng vẫn có độ trễ nhất định bởi người chăn nuôi chưa dám mạnh dạn tái đàn do lo ngại DTLCP tái phát, cùng với việc thiếu vốn, cơ sở hạ tầng chuồng trại chưa đáp ứng được yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học (trong khi mỗi lứa nuôi, đến khi có lợn thịt xuất chuồng phải mất thời gian từ bốn đến năm tháng). Mặt khác, nguồn cung lợn giống lại đang khan hiếm, giá tăng cao (hơn ba triệu đồng/con, trọng lượng từ 8 đến 10 kg ở thời điểm hiện nay) càng gây khó khăn cho các hộ chăn nuôi gia trại, chăn nuôi nhỏ. Trong khi đó, theo thống kê của các cơ quan chức năng, số lượng lợn thương phẩm tại các trang trại, gia trại, hợp tác xã chăn nuôi và hộ dân chiếm tới 65% tổng đàn, còn lại mới thuộc về các doanh nghiệp chăn nuôi lớn.

Ðể bù đắp nguồn cung thiếu hụt, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nước ta đã nhập khẩu hơn 65.000 tấn thịt lợn (tăng gần 300% so với cùng kỳ năm 2019); song nếu so với lượng thịt lợn cần phải nhập khẩu mà Chính phủ giao là 100.000 tấn thì mới đạt 65% kế hoạch. Ngoài ra, người dân chưa có thói quen tiêu dùng thịt lợn nhập khẩu khiến các ngành gặp khó khăn trong điều hành thị trường mặt hàng này.

Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp để tìm ra lời giải cho "bài toán" đưa giá thịt lợn về mức hợp lý, các địa phương cần quyết liệt tạo điều kiện, có chính sách mạnh hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn bảo đảm an toàn sinh học trên cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh để tăng thêm nguồn cung, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chú trọng các giải pháp thúc đẩy việc nhân giống, cung ứng lợn giống chất lượng và an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi để tái đàn, tăng đàn lợn đạt hiệu quả cao hơn. Ðược biết, năm tháng qua, các doanh nghiệp đã nhập được hơn 5.000 lợn giống và theo kế hoạch sẽ nhập tiếp khoảng 10.000 con trong năm nay; tiếp tục sản xuất giống từ hơn 2,9 triệu con nái nhằm bảo đảm đủ nguồn lợn giống cho thị trường. Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần định hướng, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi liên kết trong toàn chuỗi cung ứng để có thể giải quyết đồng bộ từ nguồn cung, khâu giết mổ đến đưa sản phẩm ra thị trường; giám sát, tiến tới giảm bớt các khâu trung gian, giảm chi phí phát sinh trong lưu thông, cung ứng sản phẩm. Các đơn vị có trách nhiệm nên thường xuyên cập nhật thông tin về ngành hàng thịt lợn, có dữ liệu, số liệu cụ thể (số lượng lợn ở các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp, dự trữ trong dân là bao nhiêu) để thấy được khả năng thiếu hụt nguồn cung (hay mất cân bằng trong ngắn hạn), từ đó có những biện pháp cụ thể, xử lý vấn đề hiệu quả; tránh thông tin theo hình thức ước lượng chung chung. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân thay đổi thói quen tiêu dùng nhiều thịt lợn, sử dụng các thực phẩm thay thế như thịt gia cầm, trứng, thủy sản…, không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng mà còn phù hợp mức thu nhập của số đông người dân hiện nay và bù đắp phần nào nguồn cung thịt lợn đang thiếu. Nếu thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nêu trên, có thể hy vọng giá thịt lợn được "hạ nhiệt" trong thời gian tới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất, nhà cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng.