Thúc đẩy các nghiên cứu về nCoV

Vừa qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố đã nuôi cấy, phân lập thành công chủng mới của vi-rút corona (nCoV) từ các mẫu bệnh phẩm của người bệnh. Việc nuôi cấy thành công là khâu quan trọng để có nguồn vi-rút đủ làm nguyên liệu cho các nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến vi-rút nguy hiểm này. Từ đây, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu về hệ gien của vi-rút, sản xuất các bộ kit chẩn đoán bệnh, sản xuất kháng thể, nghiên cứu sản xuất các thuốc ức chế vi-rút, vắc-xin phòng, chống bệnh… Nói một cách dễ hiểu là đã có cơ hội để hiểu được các đặc tính của vi-rút để từ đó tìm ra các phương pháp tiêu diệt nó.

Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã họp khẩn với các nhà khoa học đầu ngành về điều trị, vi-rút, vắc-xin để xác định rõ các nhiệm vụ nghiên cứu cấp bách trong bối cảnh dịch bệnh do nCoV xâm nhiễm vào Việt Nam. Chỉ sau vài ngày, ba nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia đã được giao cho các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp: Sản xuất kit xét nghiệm chẩn đoán nhanh bệnh và nghiên cứu dịch tễ học, vi-rút học... Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc chủ động kit xét nghiệm trong nước là nhiệm vụ khẩn cấp hàng đầu, để khám sàng lọc, không bỏ sót các ca bệnh, nhất là trường hợp không có dấu hiệu bệnh cảnh lâm sàng như ho, sốt nhưng vẫn dương tính với nCoV, đồng thời, cho kết quả nhanh để thuận lợi cho người nghi nhiễm, giải tỏa áp lực cho những cơ sở cách ly người bệnh.

Theo các nhóm nghiên cứu, nếu điều kiện thuận lợi thì sau khoảng một tháng sẽ có kit chẩn đoán bệnh để sử dụng, bởi các nhóm đã bắt tay vào nghiên cứu ngay từ khi có người bị bệnh đầu tiên ở nước ta, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học, các doanh nghiệp sản xuất kit chẩn đoán bệnh ở người, nhất là kết quả nuôi cấy, phân lập vi-rút trong nước vừa được công bố sẽ cung cấp chứng dương cho các đơn vị nghiên cứu sản xuất kit chẩn đoán bệnh. Nhiệm vụ nghiên cứu dịch tễ học, vi-rút học cũng chạy đua với thời gian để có những dữ liệu tổng thể về cấu trúc vi-rút, nguồn lây, đường lây, thời gian ủ bệnh... trước khi bệnh dịch đi qua.

Dù nghiên cứu, phát triển vắc-xin đòi hỏi thời gian khá lâu, nhưng Công ty TNHH một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cũng đã sớm chủ động liên hệ với Trung tâm Vi sinh vật học Max Planck của Đại học Bristol (Anh) đề nghị hỗ trợ và phối hợp nghiên cứu. Hiện, các nhà khoa học của công ty đã sang Anh trực tiếp triển khai các nghiên cứu. Lãnh đạo Vabiotech cho rằng phải chủ động nghiên cứu vắc-xin ngay từ bây giờ để ứng phó dịch bệnh do nCoV và những biến chủng mới sau này.

Sự vào cuộc của các nhà khoa học là hết sức khẩn trương, kịp thời, cùng với các giải pháp khác của các bộ, ngành, địa phương góp phần đẩy lùi dịch bệnh do nCoV. Theo các nhà khoa học, các bước đi của giới khoa học trong nước gần như cùng lúc với các nhà khoa học trên thế giới, khi một số nước cũng vừa công bố phân lập thành công vi-rút nCoV và bắt đầu nghiên cứu vắc-xin phòng ngừa, sản xuất kit xét nghiệm chẩn đoán nhanh. Các kết quả nghiên cứu không chỉ giúp ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh trong nước, mà còn góp phần cung cấp cho thế giới bức tranh tổng thể về nCoV. Bởi vậy, cần đầu tư nhanh chóng, dài hơi, và đây cũng là cơ hội để chúng ta có những hiểu biết sâu rộng về bản chất dịch tễ học của bệnh, tích lũy những kinh nghiệm cần thiết, đào tạo thêm nhiều chuyên gia lâm sàng, dịch tễ học, có thêm trang thiết bị hiện đại… để ứng phó dịch. Bên cạnh đó, cần bảo đảm an toàn sinh học đối với nguồn vi-rút nCoV đã được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để phòng tránh các nguy cơ mất an toàn cho môi trường.