Thông điệp đa chiều

Trong bối cảnh thế giới năm 2019 có xu hướng giảm sút cả về thương mại và tăng trưởng, gia tăng thách thức về tài chính - tiền tệ, giá dầu và hàng rào bảo hộ kỹ thuật…, thì bức tranh kinh tế Việt Nam quý I năm 2019 cũng cho thấy những thông điệp đa chiều đáng chú ý.

Mức tăng trưởng GDP quý I-2019 đạt 6,79% so với cùng kỳ năm 2018 và cao hơn tăng trưởng quý I các năm từ 2011 đến 2017, là thành quả và minh chứng thuyết phục về những cải cách quyết liệt và tích cực thời gian qua. Cơ cấu kinh tế đang được cải thiện, với tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 10,16% GDP; tăng mạnh cơ cấu giống mới chất lượng cao hơn và định hình nhiều chuỗi nông sản khép kín từ sản xuất, đến thu hoạch, bảo quản và chế biến bằng quy trình tiên tiến, công nghệ cao và sạch hơn; nhiều sản phẩm có hàm lượng chế biến sâu, gắn thương hiệu quốc gia và xuất khẩu chính ngạch, đạt hiệu quả tổng hợp kinh tế - xã hội ngày càng cao hơn. Thị trường trong nước tiếp tục là động lực tích cực với mức lạm phát được kiểm soát, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12%.

Kinh tế đối ngoại có nhiều khởi sắc: Cả nước thu hút hơn 4,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 7% và tăng ở tất cả các nguồn châu lục, theo cả đường bộ và hàng không. Tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt 5,119 tỷ USD, tăng 30,9%; FDI thực hiện ước đạt 4,12 tỷ USD, tăng 6,2%; tổng giá trị vốn góp là 5,69 tỷ USD, gấp ba lần cùng kỳ năm 2018. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường M&A và cổ phần hóa ở Việt Nam đang gia tăng cùng với kỳ vọng mới về quan hệ kinh tế Việt - Mỹ, cũng như cơ hội và thách thức mới mang lại từ CPTPP và sắp tới là EVFTA.

Thông điệp tích cực cũng đến từ khu vực doanh nghiệp (DN), với sự gia tăng mạnh số DN quay lại hoạt động (tăng 78,1%), số vốn đăng ký mới (tăng 34,8%) và vốn tăng thêm (gấp đôi số vốn đăng ký mới), cũng như số việc làm mới tạo ra (tăng 40,9%). Đặc biệt, sự ghi nhận xu hướng gia tăng những dự án FDI thế hệ mới, với chất lượng công nghệ và tính khả thi cao từ Mỹ vào quản lý dịch vụ hàng không và sản xuất hàng nghìn linh kiện, phụ tùng máy bay thương mại cao cấp để xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, mở ra giai đoạn mới cho việc tạo lập chuỗi cung ứng quốc tế mới trong ngành công nghiệp hỗ trợ ở nước ta. Ngoài ra, hàng chục dự án startup (khởi nghiệp sáng tạo) Việt đã thu hút thành công hàng chục triệu USD và trên đà mở rộng thị trường, đoạt nhiều phần thưởng quốc tế... Tất cả đã, đang và sẽ góp phần hình thành diện mạo và vị thế kinh tế mới trên thị trường quốc tế của Việt Nam trong năm 2019 và thời gian tới.

Kinh tế quý I-2019 cũng cho thấy những thách thức mới của phát triển kinh tế năm 2019: Sự gia tăng áp lực lạm phát và sự mở rộng dịch bệnh trong ngành chăn nuôi; sự tăng chậm của kim ngạch hàng hóa xuất khẩu và nhất là sự suy giảm kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp chủ lực. Ngoài ra, tổng số DN tạm dừng hoạt động và giải thể cao hơn số DN quay lại hoạt động trong quý đầu năm nay cho thấy khu vực DN còn không ít khó khăn; dù có tới ba phần tư số DN được khảo sát trả lời tình hình kinh doanh quý I-2019 là ổn định hoặc tốt lên, và chỉ có 10% DN trả lời tình hình kinh doanh quý II-2019 sẽ khó khăn hơn...

Thông điệp từ kinh tế quý I càng củng cố cơ sở và sự quyết tâm chỉ đạo của Chính phủ là cả nước cần đồng sức, đồng lòng, các ngành, địa phương không được chủ quan với các thành tích đạt được, mà cần nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, phấn đấu đạt kết quả tốt hơn năm 2018; đổi mới phương thức, cách làm, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương công vụ, tính liêm chính và minh bạch; xây dựng và chủ động điều hành các kịch bản tăng trưởng phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực; cải thiện thực chất các dịch vụ hỗ trợ DN, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan… Tập trung phát triển kinh tế, nhưng không bỏ quên các vấn đề xã hội bức bối. Tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Không để tình trạng bỏ việc, thiếu lao động làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh.