Thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đạt 488 đến 492 USD/tấn. 

So với khoảng một tháng trước, mức giá này đã tăng từ 24 đến 25 USD/tấn và cũng là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Không chỉ giá gạo xuất khẩu tăng mà giá lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đạt mức cao kỷ lục so với nhiều vụ trước, đạt 5.600 đến 6.200 đồng/kg, đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng một phần là do nhu cầu thu mua dự trữ để ứng phó dịch Covid-19 của nhiều quốc gia. Ngoài ra, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cho rằng, sau khi gạo ST25 đoạt danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” đã tạo ra sự chú ý đặc biệt của người tiêu dùng trên thế giới đối với gạo Việt Nam, góp phần quan trọng tiêu thụ và nâng cao giá trị cho gạo Việt. 

Bên cạnh tin vui về giá gạo, giá lúa thì ngành lúa gạo cũng đang đón nhận nhiều tín hiệu khả quan về việc gạo Việt sẽ thâm nhập sâu hơn vào các thị trường chất lượng cao. Mới đây nhất, theo thông tin từ Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), đầu tháng 9 này, Vinaseed sẽ xuất khẩu khoảng 50 tấn gạo Japonica sang thị trường Ô-xtrây-li-a. Trước đó, tháng 7-2020, Vinaseed đã xuất khẩu gạo VJ Pearl Rice và gạo thơm RVT sang Hà Lan và Cộng hòa Séc với giá 1.040 USD/tấn. Các loại gạo này đã đạt chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (FSSC 22000) về chế biến, đóng gói và xuất hàng, được cấp bởi tổ chức Bureau Veritas - tổ chức chứng nhận độc lập hàng đầu thế giới của Vương quốc Anh. Đây là một trong những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm toàn diện, đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất để tiếp cận các thị trường khó tính như EU, Mỹ. Không chỉ Vinaseed, hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí đáp ứng điều kiện khắt khe của thị trường châu Âu, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU đã chính thức có hiệu lực, theo đó EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế suất 0%.  

Như vậy, có thể thấy đây chính là thời cơ đặc biệt thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo trong nước xây dựng và quảng bá hình ảnh hạt gạo Việt Nam cũng như có những định hướng mới trong sản xuất và xuất khẩu. Theo đó, tập trung đầu tư vào các giống lúa đặc sản để hướng tới những thị trường chất lượng cao với giá bán cao, giảm dần sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống với nhu cầu tiêu thụ chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp, giá thấp. Có một thực tế là, gạo Việt Nam hiện vẫn chiếm thị phần nhỏ tại các siêu thị châu Âu trong khi gạo Thái-lan và Cam-pu-chia lại đang chiếm ưu thế. Chính vì vậy, để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị mặt hàng gạo và tận dụng cơ hội xuất khẩu thời gian tới, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy từ xây dựng vùng nguyên liệu sạch, liên kết sản xuất chặt chẽ với nông dân đến quyết tâm chinh phục các chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, sản phẩm an toàn từ các đơn vị chứng nhận uy tín trong nước và quốc tế.