Thi tiếng Việt

Hiện nay, một số cơ quan, tổ chức khi tuyển nhân viên mới đã đưa ra yêu cầu bắt buộc ứng viên phải thi… tiếng Việt. Bài thi khá đơn giản, chẳng hạn, thí sinh tự viết đơn xin việc, làm bản tường trình về một trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, viết giấy mời lễ khai trương hay đơn xin nghỉ phép…

Thật bất ngờ khi không hiếm thí sinh có bằng trung cấp, đại học; trình độ ngoại ngữ bằng C tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga nhưng đã không thể hoàn thành bài thi đơn giản ấy. Các bài thi ngoài thiếu những nội dung cơ bản theo yêu cầu, thì lời lẽ cộc lốc, viết sai chính tả, thiếu hiểu biết tối thiểu về các cơ quan quản lý nhà nước. "Kính gửi ông Chủ tịch" thì "chủ" viết thường, "tịch" viết hoa. Giấy mời gửi một cơ quan bộ thì viết: Kính gửi Bộ Giao thông vận tải Hà Nội… Tình huống dở khóc dở cười nhất là trong đơn xin việc, ứng viên kết thúc bằng câu: "Nếu được nhận vào làm, tôi xin cảm ơn và hậu tạ!". Kết quả là, số lượng thí sinh bị đánh trượt phần thi tiếng Việt nhiều hơn các nội dung thi chuyên môn khác.

Dư luận từng cảnh báo về những bài tập làm văn ngô nghê của học sinh phổ thông hoặc những văn bản, giấy tờ do các cơ quan sở, ngành phát hành có rất nhiều lỗi chính tả, nội dung rối rắm, trùng lặp, khó nắm bắt. Những khiếm khuyết về tiếng Việt như nêu trên là hậu quả của một quá trình dài việc dạy và học tiếng Việt trong trường phổ thông. Học sinh chỉ tập trung học những môn thi vào đại học mà không coi trọng môn ngữ văn, tiếng Việt. Khi học lên trình độ cao hơn họ lại chỉ chú trọng kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ mà quên điều quan trọng nhất, là người Việt phải biết trình bày một văn bản sáng sủa, rõ ràng, đúng ngữ pháp tiếng Việt. Một nguyên nhân nữa là hiện nay nhiều người trẻ lười đọc sách, nên vốn từ nghèo nàn, hiểu biết xã hội sơ sài. Chưa kể việc lạm dụng ngôn ngữ "chát" trên mạng xã hội đã làm ngôn từ bị méo mó tới mức không còn nhận ra.

Dịch giả Nguyễn Thụy Ứng từng có ý kiến xác đáng về tiếng Việt: "Ðó là một thứ tiếng giản dị lạ lùng, trong đó các từ hoàn toàn không có phụ đầu, biến vĩ; danh từ không có giống đực, giống cái, giống trung, số nhiều, số ít; động từ không biến theo thời, thái; tính từ không có thể so sánh, thể tối cao; thậm chí các hư từ như giới từ, liên từ cũng rất ít dùng, thế mà vẫn phản ánh trọn vẹn tất cả các khái niệm, phạm trù và quan hệ lô-gic cần thiết, bảo đảm đầy đủ hiệu quả thông tin để tất cả thế hệ dân tộc ta trong hàng chục thế kỷ có thể cùng nhau bàn bạc làm ăn, nuôi dạy con cái, xây dựng và gìn giữ đất nước, lại có đủ tính khoa học để viết về tất cả các môn khoa học chính xác, đủ chất thơ để nuôi dưỡng tâm hồn toàn dân hoàn thành những sự nghiệp đòi hỏi một nỗ lực và có tưởng tượng phi thường…".

Tiếng Việt thần tình, trân quý như vậy, không lẽ lại không được chú trọng, để dẫn đến tình trạng người Việt không viết thông, đọc thạo tiếng Việt như đề cập đến ở trên. "Thi tiếng Việt" không đơn thuần là một bài thi mà còn là cảnh báo tình trạng yếu kém tiếng Việt trong một bộ phận giới trẻ và công chức hiện nay.