Thẻ hành nghề cho nhà văn

Tại Ðại hội lần thứ X Hội Nhà văn Việt Nam, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa diễn ra tại Hà Nội, có một ý kiến đáng chú ý là nên thay Thẻ hội viên Hội nhà văn (được cấp cho các hội viên chính thức) bằng Thẻ hành nghề nhà văn để nhà văn có điều kiện hành nghề như nhà báo.

Một trong những lý do đưa ra là, trong xã hội hiện nay, trên phương diện hành nghề, nhà văn hiện đang "lép vế" hơn nhà báo. Luồng ý kiến này cho rằng, trước hết về mặt số lượng, Hội Nhà văn Việt Nam chỉ có hơn 1.000 hội viên, còn Hội Nhà báo Việt Nam có khoảng 24 nghìn hội viên, trong đó hơn 19 nghìn người được cấp Thẻ nhà báo (thẻ hành nghề). Luật Báo chí bảo đảm việc hành nghề cho các nhà báo, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; nhà báo được tạo mọi điều kiện để tiếp cận, thu thập thông tin, tác nghiệp theo luật định. Trong khi đó, hoạt động sáng tạo của nhà văn chủ yếu từ nỗ lực cá nhân, ít nhận được sự hỗ trợ nghề nghiệp bằng những quy định và điều luật cụ thể.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, công việc của nhà văn và nhà báo mang đặc thù, thiên chức khác nhau, nói "văn" không bằng "báo" dễ làm tổn thương các nhà văn. Trong nhiều trường hợp thì "văn", "báo" bất phân, nhiều nhà văn đồng thời là nhà báo và cũng có nhiều nhà báo viết văn. Nhiệm vụ của nhà báo là thông tin, tuyên truyền, phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội… Còn nhiệm vụ của nhà văn, nói một cách khái quát là phải mang lại những vẻ đẹp nhân văn cao cả, niềm tin vào con người và cuộc sống, là chỗ dựa tinh thần, an ủi, nâng đỡ con người trong mọi hoàn cảnh, giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt và làm giàu cho văn hóa Việt.

Phát biểu ý kiến tại Ðại hội lần thứ X Hội Nhà văn Việt Nam, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư khẳng định: "Ðảng, Nhà nước và nhân dân luôn đồng hành với các nhà văn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà văn sáng tạo và cống hiến... Còn làm thế nào để có tác phẩm hay, viết thế nào cho hay, cho xứng đáng với nhân dân, xứng đáng với Tổ quốc, tôi tin là các nhà văn sẽ hiểu biết hơn ai hết".

Từ đây có thể thấy, dù có thêm thẻ hành nghề hay không thì cũng không thể thay thế được quyết tâm, nghị lực và khát vọng của nhà văn vượt lên chính mình trong quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai, đó là cống hiến nhiều tác phẩm hay cho bạn đọc. Chỉ có chất lượng và hiệu quả của tác phẩm văn học mới là thước đo chính xác, công bằng nhất sáng tạo của các nhà văn, khẳng định vị trí, vai trò và thiên chức của nhà văn. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực cá nhân của các nhà văn, để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho công việc sáng tạo của người cầm bút thì những phương hướng, chủ trương, chính sách của Nhà nước cần tiếp tục được cụ thể hóa sao cho phù hợp thực tiễn, giúp các nhà văn thâm nhập sâu vào đời sống, bám sát những vấn đề trung tâm và nhân vật trung tâm của cuộc sống hôm nay, để chuyển hóa thành những tác phẩm văn học có sức lớn về tư tưởng, sức lay động về thẩm mỹ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, yêu thương con người và vì con người.

Ðó mới là tấm thẻ hành nghề thiết thực của các nhà văn.