Tháo gỡ vướng mắc trong chi trả gói hỗ trợ giúp dân sau dịch

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân cả nước.

Các nhóm đối tượng được chi trả sớm gồm: người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo. Việc rà soát, lên danh sách các nhóm người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn đang được gấp rút triển khai. Một số tỉnh, thành phố chủ động cân đối ngân sách địa phương để bổ sung một số đối tượng cần hỗ trợ; huy động nguồn lực, nhân lực chi trả tới người dân ngay dịp lễ 30-4 và 1-5...

Từ số liệu báo cáo của Bộ LĐ - TB và XH cho thấy, tính đến ngày 20-5, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tổng số người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt hơn 11,8 triệu người; người lao động trong doanh nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh gần bốn triệu người. Tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng tính đến thời điểm ngày 20-5 đạt 17,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 34 tỉnh, thành phố cơ bản chi trả xong; 15 tỉnh, thành phố đang triển khai chi trả cho các đối tượng đạt từ 10 đến 75% số đối tượng được duyệt; 13 địa phương ở mức dưới 10% số đối tượng được duyệt.

Trong quá trình chi trả, một số địa phương, cơ sở vẫn vì “bệnh thành tích”, thiếu trách nhiệm và triển khai chậm, chưa nghiêm túc. Đặc biệt, một số địa phương còn quá thận trọng, cầu toàn, khó khăn về ngân sách... cho nên tiền hỗ trợ chưa đến tay đối tượng kịp thời, làm giảm ý nghĩa của chính sách hỗ trợ. Việc tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp chưa đầy đủ; một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa tiếp cận được đúng chính sách hỗ trợ. Thực tiễn cho thấy từ sự nể nang, buông lỏng ngay từ khâu bình xét hộ cận nghèo tại một số địa phương đã dẫn đến sai từ gốc, kéo theo khiếu nại, dư luận bức xúc trong việc chi trả gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng sai đối tượng. Qua trường hợp một số thôn của các huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa có hiện tượng vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận; thậm chí có trường hợp đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo…, Bộ LĐ-TB và XH đã yêu cầu các địa phương kịp thời chấn chỉnh sai sót trong tổ chức thực hiện, thu hồi văn bản không phù hợp, đề nghị xử lý kỷ luật cán bộ có liên quan.

Để tháo gỡ vướng mắc, mỗi địa phương cần vào cuộc và cùng người dân giám sát ngay từ đầu, tránh trục lợi từ chính sách; bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, nhất là tránh bỏ sót, chi sai đối tượng và sử dụng ngân sách trái quy định. Công tác tuyên truyền cũng cần được chú trọng đẩy mạnh hơn nữa, từ đó phổ biến rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp các chính sách của Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt thực hiện tuyên truyền đến các cấp xã, phường, thị trấn, thôn, sóc, bản. Bên cạnh đó, cần nhân rộng cách thức xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ công trực tuyến từ bộ, ngành, địa phương nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị bố trí bộ phận thường trực tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền hướng giải quyết.