Thận trọng khi sử dụng hình ảnh, biểu tượng di sản văn hóa để quảng cáo

Thời gian qua, nhiều người cảm thấy khó chịu khi chứng kiến hai tấm biển quảng cáo cỡ lớn ngoài trời của một doanh nghiệp đặt cạnh quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) vì đã sử dụng hình ảnh Chùa Cầu - biểu tượng của di sản thế giới tại Hội An để làm nền cho một lon bia khổng lồ.

Việc khuếch đại hình ảnh sản phẩm cùng với việc “nhuộm xanh” di sản bởi mầu của thương hiệu bia đã khiến hình ảnh của di sản trên tấm biển quảng cáo trở nên méo mó, biến dạng. Ngay sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, hình ảnh tấm biển quảng cáo nêu trên đã gây nên làn sóng phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng. Thậm chí xuất hiện ý kiến đòi tẩy chay sản phẩm vì coi đây như một hành vi xâm hại gián tiếp di sản, cho thấy sự thiếu tôn trọng của doanh nghiệp đối với di sản.

Điều đáng nói là trước đó, từ năm 2017, doanh nghiệp này cũng đã dùng hình ảnh quảng cáo thương hiệu bằng việc sử dụng các chai bia để “phủ bề mặt” cho các di tích Ngọ Môn, cầu Trường Tiền (Huế) gây bức xúc dư luận. Sau đó các hình ảnh phản cảm đã bị tháo dỡ khỏi các kênh quảng bá của doanh nghiệp, đồng thời cơ quan chức năng cũng đã kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở đơn vị. Lẽ ra đây phải là bài học đắt giá đối với doanh nghiệp, vậy nhưng thật khó hiểu vì sau hai năm, những sai lầm tương tự tiếp tục lặp lại. Không chỉ dùng hình ảnh di sản để quảng bá sản phẩm, vài tháng trước, thương hiệu này đã cho ra mắt bộ sản phẩm mới với phiên bản giới hạn, sử dụng tám mẫu thiết kế có sử dụng hình ảnh của các địa danh, thắng cảnh du lịch nổi tiếng của tám tỉnh miền trung bao gồm Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Làng Sen (Nghệ An), hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), chợ Đông Hà (Quảng Trị), điện Thái Hòa (Huế), Cầu Vàng - Bà Nà Hills (Đà Nẵng), Chùa Cầu - Hội An (Quảng Nam).

Điểm chung của các địa danh này là đều bị đổi mầu! Dù xuất phát từ mong muốn: “Khắc họa một cách sáng tạo các danh thắng trên mầu xanh trẻ trung cùng sắc vàng óng hiện đại, thương hiệu muốn khơi gợi tình yêu, niềm tự hào về vẻ đẹp quê hương trong mỗi người dân miền trung và khích lệ mong muốn khám phá Việt Nam của du khách trong nước cùng bạn bè quốc tế”, tuy nhiên nhiều người đặt câu hỏi: việc sử dụng những hình ảnh này liệu đã được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền? Và hậu quả sẽ ra sao nếu các doanh nghiệp trong chiến dịch quảng bá sản phẩm của mình tùy tiện sử dụng hình ảnh di sản, can thiệp thô bạo về mầu sắc, tự ý cắt ghép hình ảnh di sản? Bởi theo Khoản 1, Điều 19, Luật Quảng cáo về Yêu cầu đối với nội dung quảng cáo quy định: “Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo”.

Trước sức ép của dư luận và sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, ngày 6-11, những tấm biển quảng cáo nêu trên đã bị tháo dỡ. Tuy nhiên từ sự việc này đã dấy lên mối lo ngại về tình trạng một số doanh nghiệp đang tự do sử dụng hình ảnh, biểu tượng của các di sản văn hóa để quảng bá cho sản phẩm của đơn vị mình nhằm mục đích thương mại mà không tính toán đến việc hình ảnh di sản có thể bị ảnh hưởng trong tâm thức của công chúng. Việc cá nhân, tổ chức sử dụng những thông tin, hình ảnh, biểu tượng của di sản nhằm phục vụ cho những mục đích cá nhân cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Đồng thời mọi hoạt động quảng cáo gắn với di sản văn hóa cần phải được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với pháp luật, lịch sử, văn hóa bản địa và thuần phong mỹ tục của dân tộc, bởi chỉ như vậy mới góp phần tôn vinh giá trị của di sản, vừa khơi gợi niềm tự hào dân tộc, góp phần quảng bá hiệu quả hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới.