Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Ngay từ ngày đầu năm mới 2020, tại Nhà Quốc hội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 48) họp phiên thứ hai.

Điểm nhấn tại phiên họp này là các đại biểu đã thảo luận kỹ lưỡng việc triển khai công tác tổng kết Nghị quyết 48; công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ở nước ta qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 48. Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Chính phủ đều nhấn mạnh, qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 48, công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ở nước ta đạt nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống pháp luật có bước chuyển quan trọng sang hệ thống pháp luật của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, tạo nền tảng thuận lợi cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng.Với vai trò là công cụ quản lý nhà nước và xã hội, pháp luật còn là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra và giám sát quyền lực nhà nước…

Báo cáo tại hội nghị triển khai công tác mới đây của Bộ Tư pháp nêu khái quát: Triển khai thực hiện Nghị quyết 48, chúng ta có hệ thống pháp luật phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, nâng cao sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế. Chất lượng của hệ thống pháp luật chuyển biến tích cực, về cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ…

Tuy nhiên, nhìn lại bước đầu công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhiều ý kiến chuyên gia nêu hệ thống pháp luật chưa thật sự thống nhất cao (đơn cử thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực điều kiện đầu tư, kinh doanh và lĩnh vực quy hoạch). Một số nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn; quy trình xây dựng, ban hành văn bản ở một số khâu chưa chặt chẽ, khoa học, nặng tính hình thức. Từ thực tiễn cuộc sống, các chuyên gia pháp luật liệt kê những trường hợp mâu thuẫn giữa: Luật Điện lực, Luật Đầu tư với Luật Xây dựng; Luật Dầu khí với Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Di sản văn hóa với Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường; hay mâu thuẫn giữa Bộ luật Lao động và Luật Doanh nghiệp…

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn phản ánh công tác lập và tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiều lúc vẫn còn phải điều chỉnh lùi, rút; còn thiếu tính liên kết giữa khâu đề xuất, đánh giá, phân tích chính sách với khâu soạn thảo, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Tiến độ xây dựng một số luật, pháp lệnh vẫn chậm. Công tác góp ý, huy động trí tuệ nhân dân, xã hội vào công tác xây dựng pháp luật chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả. Báo cáo của Bộ Tư pháp còn nhìn nhận, về công tác thẩm định, sự phối hợp tham gia thẩm định của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan còn hạn chế. Trong một số trường hợp, ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình đầy đủ...

Những hạn chế, vướng mắc đó trước bối cảnh quốc tế, trong nước và sự tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra cho hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật những nhu cầu và định hướng mới. Hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phải ở tầm mức cao hơn, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chính trị, các thành tựu về kinh tế - xã hội, phù hợp xu thế phát triển của thế giới và tình hình trong nước. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm việc hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quốc gia thành viên và khai thác những lợi thế qua các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào việc định hình “luật chơi” tại các thể chế đa phương. Mặt khác, hạn chế những tác động tiêu cực thông qua việc xây dựng các biện pháp phòng vệ, hàng rào pháp lý…