Tạo nguồn kinh phí cho chương trình truyền hình nhân đạo

Những ngày qua, thông tin liên quan chương trình truyền hình "Như chưa hề có cuộc chia ly" buộc phải dừng phát sóng thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận; bởi trong suốt hành trình 13 năm lên sóng, chương trình đã mang đến nhiều cảm xúc khó quên khi trở thành cầu nối tạo nên những cuộc đoàn tụ đầy xúc động giữa những người tưởng chừng không thể gặp lại.

Sự công phu, nghiêm túc trong quá trình thực hiện cũng như tinh thần kết nối cộng đồng và giá trị nhân văn sâu sắc đã đưa "Như chưa hề có cuộc chia ly" trở thành chương trình nhân đạo có thương hiệu và giàu sức lan tỏa trên sóng Ðài Truyền hình Việt Nam (VTV). Vì thế, việc chương trình không thể tiếp tục càng khiến người xem truyền hình tiếc nuối. Ðiều đáng nói, lý do phải dừng lại không phải vì không còn những trường hợp tha thiết muốn tìm lại người thân thất lạc, mà vì đã cạn kiệt nguồn kinh phí tài trợ để có thể tiếp tục.

Thực tế này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng, những chương trình hướng đến cộng đồng và giàu giá trị nhân văn chưa thật sự được quan tâm đúng mức? Chỉ cần nhìn sang lãnh địa màu mỡ của gameshow, đã có thể nhận ra sự khác biệt một trời, một vực trong sự quan tâm đầu tư của các nhà tài trợ. Dù gameshow đã ở thế bão hòa với sự xuất hiện của hàng loạt chương trình na ná nhau và chỉ đơn thuần mang tính giải trí, nhưng vẫn là mảnh đất được nhiều nhãn hàng săn đón bởi lên sóng giờ vàng, thu hút sự quan tâm lớn của đối tượng khách hàng mục tiêu là những người trẻ tuổi. Trong khi đó, các chương trình nhân ái vừa thực hiện khó, phải đầu tư nhiều, thêm nữa lại hướng đến những khách hàng không mấy tiềm năng, cho nên việc khó mời quảng cáo, tài trợ là điều dễ lý giải. Và đương nhiên, việc các nhà đài ưu tiên dành sóng cho những chương trình mang đến nhiều lợi nhuận là tất yếu. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa cổ xúy cho việc đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu khi lựa chọn thực hiện các chương trình truyền hình. Bởi suy cho cùng, mục tiêu, nhiệm vụ của truyền hình nói riêng và truyền thông báo chí nói chung vẫn là thể hiện đa dạng các đề tài, hướng đến tính nhân văn, giáo dục. Do đó, cần thiết phải có sự tính toán để thực hiện những chương trình vì cộng đồng mà trước hết là cần thay đổi cách thức huy động tài trợ thay vì chỉ trông chờ vào nguồn thu từ quảng cáo của các nhãn hàng.

Ðược biết, sau khi phát đi thông điệp "kêu cứu" vì buộc phải dừng phát sóng do thiếu kinh phí, Ban tổ chức chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt thành từ cộng đồng. Nhiều nghệ sĩ như ca sĩ Hà Anh Tuấn, MC Phan Anh, Việt Hương… đã nỗ lực đóng góp và kêu gọi đóng góp. Nhiều người xem truyền hình trong nước, nước ngoài bày tỏ mong muốn thành lập một quỹ riêng cho chương trình. Ðằng sau phần nổi là một chương trình truyền hình, "Như chưa hề có cuộc chia ly" còn là hoạt động xã hội với nhiều khâu xử lý, xác minh thông tin, kết nối, tìm kiếm người thân, đoàn tụ…; không đơn thuần chỉ là kể một câu chuyện bằng hình ảnh. Vì thế, đi tìm kinh phí cho những hoạt động này dưới dạng mời tài trợ cho một chương trình truyền hình nhiều khi là gây khó đối với quá trình thực hiện.

Đại diện ê-kíp chương trình cho biết, có thể sẽ lập tài khoản riêng để tiếp nhận những nguồn hỗ trợ lâu dài từ cộng đồng để chương trình trở thành hoạt động xã hội, xã hội tự vận hành và nuôi sống… Ðây là gợi ý để các chương trình nhân ái có thể thay đổi cách thức duy trì kinh phí thực hiện. Và đương nhiên, muốn thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng khán giả, những người thực hiện cũng cần năng động hơn trong việc lan tỏa sức hút, hiệu ứng của chương trình qua nhiều kênh. Tại một số quốc gia, những chương trình truyền hình vì cộng đồng và mang tính nhân đạo còn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền. Thiết nghĩ, đây cũng là nguồn hỗ trợ tiềm năng để chương trình có thể tiếp cận và kết nối thông qua các nguồn quỹ liên quan.