Tăng thu ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp

Trong điều kiện GDP tiếp tục tăng trưởng khá và ổn định thì vấn đề tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đồng thời coi trọng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa là nguyên tắc quan trọng, vừa có tính thời sự bảo đảm thành công vững chắc của “mục tiêu kép” phát triển sản xuất, kinh doanh và chiến thắng dịch Covid-19.

Thu NSNN bốn tháng đầu năm nay do ngành thuế quản lý ước đạt hơn 468 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý là thu từ ba khu vực kinh tế đều tăng trưởng và đạt tiến độ khá so với dự toán cả năm: Khu vực DNNN đạt 53.191 tỷ đồng, bằng 35,9% dự toán; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85.167 tỷ đồng, bằng 42,8% dự toán; khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 109.541 tỷ đồng, bằng 46,1% dự toán. So với cùng kỳ năm 2020, cả ba khu vực đều tăng, lần lượt 3,3%, 9,3% và 37,2%. Điều đó cho thấy nỗ lực đáng trân trọng của người nộp thuế (đặc biệt là khu vực dân doanh tăng tới 37,2%) và việc quản lý tốt nguồn thu của ngành thuế…

Tuy nhiên, diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19 giai đoạn mới đang là thách thức lớn đối với sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Thực tế cho thấy có dấu hiệu chững lại trên một số lĩnh vực. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bốn tháng đầu năm 2021, số DN quay trở lại hoạt động là 19.256 DN, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng có tới 51.496 DN rút khỏi thị trường (gồm tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và chấm dứt hoạt động), tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Mặt khác, có gần 44.200 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 627.700 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 340.300 người, tăng 17,5% về số DN, tăng 41% về vốn đăng ký và tăng 7,8% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020. Đó là mức tăng cao nhất từ năm 2017 đến nay. Vậy là có cả hai mặt thắng và thua trong cộng đồng DN, doanh nhân, trong đó số thua lỗ và bỏ cuộc đang nhỉnh hơn.

Thực tế nêu trên đòi hỏi cả hai bên thu và nộp thuế phải thực hiện nhanh hơn các giải pháp quan trọng: 

Ngành thuế cần đẩy mạnh phân tích, đánh giá kỹ tình hình thực hiện dự toán thu bốn tháng đầu năm 2021, sâu sát hơn tình hình sức khỏe DN, việc kê khai, nộp thuế, phân tích các khoản thu, sắc thuế tăng nhiều cũng như các khoản có biểu hiện chững lại để đề xuất giải pháp thích hợp. Về tình trạng nợ thuế, cần xem xét xử lý khách quan, công tâm và hiệu quả hơn, trong đó bao gồm cả xử lý khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp, không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết 94/2019/QH14; mặt khác, quyết liệt thu nợ của những đơn vị có số nợ lớn, thường xuyên nợ NSNN. Đặc biệt coi trọng hỗ trợ DN, hỗ trợ người sản xuất, kinh doanh, tránh những biện pháp cực đoan chưa cần thiết, không phù hợp (như phong tỏa tài khoản) để giúp các DN đang trong tình trạng bế tắc có lối ra, có điều kiện hồi phục, có doanh thu để trả lương người lao động và nộp thuế. Đồng thời tích cực hơn trong thẩm định các hồ sơ xóa nợ, hướng dẫn giải đáp và xử lý các vướng mắc về thuế nói chung, về việc khoanh nợ, xóa nợ, gia hạn, miễn tiền chậm nộp và cưỡng chế nợ thuế nói riêng. Đó chính là đạo lý cơ quan thuế là bạn đồng hành với người nộp thuế. 

Thành công đáng khích lệ trong thu NSNN bốn tháng đầu năm cho thấy, dù trong bối cảnh hết sức khó khăn, nhưng nếu nắm vững và bao quát các nguồn thu, phát hiện nguồn thu mới, khai thác tốt nguồn thu thì tổng thu NSNN vẫn tăng trưởng vững chắc; mặt khác không vì kế hoạch, chỉ tiêu mà thu lấy được, bất chấp thực trạng và tương lai của DN. Có một thực tế đáng để ngành thuế quan tâm là trong khi hàng vạn DN rất khó khăn, thua lỗ, thì hầu hết các ngân hàng đều có lợi nhuận trước thuế từ hơn 3.000 đến hơn 8.000 tỷ đồng trong quý I năm nay. Đó chính là một trong những nguồn thu cần chú ý, cũng như những nguồn thu đối với các hoạt động kinh doanh nhà, đất và cả các hoạt động kinh tế ngầm khác…

Về phía người nộp thuế, bên cạnh số đông sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, nêu cao trách nhiệm công dân đối với NSNN, cũng còn một bộ phận không nhỏ trốn thuế, dây dưa chậm nộp thuế, buôn lậu kiếm lợi bất chính. Bởi vậy cần có sự phối hợp đồng bộ các cấp, các ngành, các lực lượng để hỗ trợ ngành thuế quản lý nguồn thu chặt chẽ, hiệu quả hơn. Cộng đồng DN, doanh nhân cần được cổ vũ, hỗ trợ và chủ động tiến lên, các  tấm gương sáng cần được nhân rộng, vai trò cầu nối của các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.

Tin rằng, với sự lãnh đạo, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm trực tiếp của ngành tài chính - thuế, tinh thần phát huy truyền thống yêu nước của doanh nhân và chủ trương nuôi dưỡng phát triển bền vững nguồn thu, kết quả tốt trong thu NSNN bốn tháng đầu năm nay…, đó sẽ là cơ sở để chúng ta hoàn thành thắng lợi mục tiêu kép vừa chiến thắng Covid-19, vừa khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh và bền vững.