Tăng giá trị xuất khẩu cho rau quả

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021- 2030. Ðề án đề ra mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8 đến 10 tỷ USD.

Trong đó, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; công suất chế biến rau quả đạt hai triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần hai lần so với năm 2020. Ðồng thời đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nguyên liệu rau quả và từ phế phụ phẩm sau chế biến; phấn đấu trong giai đoạn 2021- 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân hơn 10%/năm; xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau quả bảo đảm nguyên liệu được cung cấp (khoảng 5 đến 6 triệu tấn vào năm 2030) có chất lượng, an toàn thực phẩm cho hoạt động chế biến.

Trong nhiều mặt hàng nông sản thì rau quả là một trong những thế mạnh của nền nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành chế biến rau quả vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để nâng cao giá trị. Cụ thể, hiện cả nước mới có hơn 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với công suất thiết kế hơn một triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó, tỷ lệ nguyên liệu đưa vào chế biến đạt thấp, chỉ khoảng 5 đến 10%; tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế bình quân là 56,2%... Do vậy, tình trạng được mùa mất giá vẫn diễn ra thường xuyên tại nhiều vùng trồng rau quả trọng điểm trên cả nước, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ, không tiêu thụ kịp mà cơ sở chế biến thì còn thiếu và yếu. Ðiều này càng bộc lộ rõ nét hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến giao thương nông sản bị đình trệ, dẫn đến một lượng lớn hàng rau quả tươi gặp khó khi xuất khẩu, gây thiệt hại nặng nề cho cả người dân và doanh nghiệp. Vì thế, vai trò quan trọng của ngành chế biến rau quả cần được người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt quan tâm, nhất là trong điều kiện rau quả hiện là một trong những ngành hàng xuất khẩu nhiều tiềm năng và lợi thế của Việt Nam. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 3,26 tỷ USD. Năm 2021, xuất khẩu rau quả được kỳ vọng sẽ khả quan hơn khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực trên thế giới.

Để án phát triển ngành chế biến rau quả được phê duyệt sẽ tạo điều kiện cho ngành hàng này phát triển trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư, nâng cao năng lực chế biến, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao; tổ chức sản xuất rau quả nguyên liệu phục vụ chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ. Song, cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để những khu vực sản xuất tập trung, hợp tác xã sản xuất và các cơ sở, đại lý thu gom lớn đều có xưởng sơ chế, đóng gói và kho mát bảo quản rau quả tươi có quy mô và trang thiết bị phù hợp sản lượng, đặc tính các loại rau quả chủ lực nhằm tăng năng lực bảo quản, giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch. Bên cạnh đó cũng khuyến khích đầu tư phát triển các trung tâm chiếu xạ thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả xuất khẩu sang nhiều thị trường chất lượng cao trên thế giới.

Tiến Anh