Tăng cường phòng chống dịch, nâng cao chất lượng dạy và học

Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và học online để phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay, phần lớn học sinh mầm non, phổ thông ở các tỉnh, thành phố đã quay trở lại trường học. Vì vậy, vấn đề đặt ra cần có giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh cũng như các điều kiện dạy học, củng cố kiến thức theo chương trình giáo dục. 

Đợt dịch vừa qua, cả nước ghi nhận một số học sinh, giáo viên mắc Covid-19, kéo theo đó là nhiều người phải cách ly. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều địa phương đã buộc phải cho học sinh nghỉ học, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giáo dục. Trong thời gian nghỉ học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng nội dung bài học dạy trực tuyến phù hợp đối tượng học sinh. Hiện nay, học sinh đã đi học trở lại, các cơ sở giáo dục thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ, vừa tăng cường dạy học, củng cố kiến thức cho người học vừa kích hoạt lại hệ thống phòng, chống dịch. Ngành giáo dục đã triển khai hướng dẫn học sinh, giáo viên khai báo y tế theo đúng quy định. Các cơ sở giáo dục chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế như: hệ thống cấp nước sạch, xà-phòng, nước sát khuẩn, khẩu trang, nhiệt kế điện tử đo thân nhiệt. Việc đo thân nhiệt, đeo khẩu trang đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên được thực hiện trước khi vào trường. Trong thời gian này, các cơ sở giáo dục không tổ chức hoạt động tập trung đông người, tạm dừng việc tham quan, ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo cho học sinh…

Ngoài công tác phòng, chống dịch, việc tổ chức dạy, học, nhất là học sinh mầm non, đầu cấp tiểu học, học sinh cuối cấp sẽ gặp khó khăn trong bảo đảm các kiến thức, kỹ năng. Vì vậy, để việc dạy và học đi vào nền nếp, với cấp học mầm non, cần rà soát các điều kiện tổ chức hoạt động, thống nhất đến cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh nắm vững để cùng thực hiện. Đối với giáo dục phổ thông, bên cạnh việc thực hiện dạy và học bài mới theo kế hoạch nhà trường cần tổ chức cho học sinh ôn tập, củng cố kiến thức đã học bằng hình thức trực tuyến; thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, quan tâm tới các đối tượng học sinh có học lực yếu. Tập trung chỉ đạo, đưa ra các giải pháp phù hợp để hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy bù để củng cố kiến thức cho học sinh một cách phù hợp, tránh tình trạng tạo áp lực, tâm lý không tốt đối với người học. Đáng chú ý, bên cạnh việc bảo đảm thực hiện chương trình và hoàn thành chương trình các môn học theo thời gian quy định, các cơ sở giáo dục cần quan tâm tổ chức dạy học cho học sinh lớp 9, lớp 12 tiếp thu đầy đủ kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho các kỳ thi. Những địa phương, cơ sở giáo dục chưa cho học sinh trở lại trường học, tiếp tục triển khai hình thức dạy học trực tuyến, dạy học từ xa phù hợp và hiệu quả.

Có thể nói, mặc dù tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các phương án bảo đảm an toàn cho thầy, trò cũng như việc bảo đảm nội dung chương trình dạy học được toàn ngành giáo dục chuẩn bị, triển khai chu đáo. Tuy nhiên, để các giải pháp đạt hiệu quả, cần sự ý thức, nỗ lực của cả xã hội cũng như mỗi người dân, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Đồng thời, mỗi giáo viên cần đổi mới phương pháp, tạo hứng thú để các giờ học bảo đảm kiến thức, kỹ năng cho học sinh, nâng cao hiệu quả dạy và học.