Tầm nhìn xa hơn về phục hồi kinh tế

Tăng trưởng GDP quý I-2021 ước đạt 4,48%, tuy chưa phải mức tăng trưởng cao như kỳ vọng nhưng quan trọng là các chỉ số vĩ mô cơ bản đều cho thấy kinh tế đang phục hồi phù hợp với xu hướng dự báo theo kịch bản điều hành của Chính phủ, góp phần giữ vững và nâng cao niềm tin của người dân. Cả ba khu vực của nền kinh tế đều có sự tăng trưởng tốt. Nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng 3,16%. Công nghiệp và xây dựng khởi sắc, đạt mức tăng 6,3%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực chính của nền kinh tế đã tiệm cận mức tăng hai con số như thời điểm trước đại dịch.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất cũng “gượng dậy” với mức tăng trưởng 3,34%. Lạm phát bình quân trở về mức thấp nhất trong 20 năm qua. Thu hút đầu tư nước ngoài lần đầu tăng trưởng dương, kể từ khi bùng phát dịch Covid-19. Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục xu hướng tăng cao. Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định, hỗ trợ đáng kể cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN)…

Một chỉ số rất được quan tâm trong bức tranh kinh tế chung là tình hình thu ngân sách nhà nước. Số thu từ hoạt động sản xuất của cả ba khu vực DN đều tăng so cùng kỳ, trong đó, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng tới 22,4%. Thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng đạt mức cao so dự toán và tăng so cùng kỳ. Tín hiệu đáng mừng là số thu từ khu vực DN đều đạt hơn 28% dự toán năm, trong đó ấn tượng nhất vẫn là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Dữ liệu tài chính này cho thấy, dù một số địa phương vẫn phải chịu ảnh hưởng của đợt tái bùng phát dịch, song nhìn chung, các hoạt động sản xuất, kinh doanh cơ bản trở lại bình thường, đóng góp tích cực đến thu, chi ngân sách nhà nước. Ðồng thời cho thấy sự thích nghi, sức chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận đúng về những hạn chế của nền kinh tế đang dần bộc lộ. Ðó là một số ngành, lĩnh vực quan trọng tiếp tục gặp nhiều khó khăn chưa thể phục hồi. Từ năm 2016 đến nay, đây là lần đầu ghi nhận sự giảm sút về số DN thành lập mới trong quý I cùng với sự suy giảm về lượng vốn đăng ký đổ vào nền kinh tế trong khi số DN ngừng hoạt động, giải thể vẫn ở mức cao. Sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam trong quý I có đóng góp chủ yếu từ khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các DN FDI chiếm áp đảo trong hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước với các sản phẩm ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Từ thực tế này, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, trong quá trình phục hồi của DN, phải lưu ý đến mức độ hồi phục và sức vóc mới của DN trong nước để không “lép vế” trước khu vực FDI. Các DN cũng cần chuẩn bị một nền tảng, thể lực tốt để sẵn sàng trỗi dậy mạnh mẽ, thay vì gượng dậy trong tình trạng vẫn tổn thương.

Kết quả tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 và quý I-2021 vừa qua đã thể hiện khả năng kiểm soát khủng hoảng do đại dịch Covid-19,  biến khủng hoảng thành cơ hội, thực hiện thành công mục tiêu kép của nước ta. Ðây là nền tảng quan trọng để nền kinh tế nước ta phục hồi và đứng lên mạnh mẽ sau đại dịch, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia phát triển. Song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang được thực hiện nhằm giảm tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, các tổ chức nghiên cứu trong nước và ngoài nước khuyến cáo Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơn để cải thiện mạnh mẽ nền tảng vĩ mô và giảm rủi ro trong tương lai. Những giải pháp mang tính dài hạn cần hướng vào đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; hoàn thiện thể chế, tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; thúc đẩy khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo… và phải kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất.