Quyền được bảo vệ bí mật đời tư

Những ngày vừa qua, thông tin về một cặp vợ chồng có tuổi đời chênh lệch, đã nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán trên nhiều diễn đàn mạng. Hình ảnh giấy đăng ký kết hôn và chân dung của họ xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Và trở thành “miếng mồi ngon” cho nhiều người giễu cợt, bình phẩm, thậm chí chỉ trích, miệt thị bằng những lời lẽ khiếm nhã mà không lường hết hậu quả có thể gây ra cho nạn nhân.

Điện thoại của hai người liên tục bị số máy lạ gọi đến quấy rối. Đời sống riêng tư của họ bị xâm hại nặng nề. Thậm chí có người còn quy kết, đó là mối quan hệ “vì tiền”. Để rồi mới đây trên trang cá nhân, người vợ cho biết, chị đã suy sụp tinh thần vì phải gánh chịu áp lực quá lớn từ dư luận suốt những ngày qua.

Không ai có thể sống hộ được cho người khác. Mỗi người có quyền lựa chọn cho họ một cuộc hôn nhân phù hợp, tôn trọng nhau, tuân thủ pháp luật.

Đây không phải là lần đầu một cuộc hôn nhân chênh lệch tuổi tác hay hình thức lại trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm, bàn tán. Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến chia sẻ, thông cảm với câu chuyện đời, gửi lời chúc phúc đến những người trong cuộc thì một số người hiếu kỳ lại lập tức đi truy tìm địa chỉ nơi ở, tìm hiểu gia cảnh, thói quen sinh hoạt, tình trạng sức khỏe,... thậm chí thông tin cả về cha mẹ, họ hàng của nhân vật có liên quan, rồi từ đó tùy tiện đăng tải công khai trên mạng xã hội, kèm theo những lời bình luận, suy đoán vô căn cứ.

Từ đây, một số cư dân mạng lập tức nhảy vào và tự cho mình cái quyền phán xét, bình phẩm một cách vô lối, thậm chí thô bỉ. Hành vi này không chỉ làm tổn thương, xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác mà còn vi phạm pháp luật. Cụ thể theo Hiến pháp năm 2013, tại khoản 1, Điều 21, Chương II quy định về Quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, khẳng định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

Nội dung này đã được cụ thể hóa tại Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó: “Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác” (khoản 2, Điều 38).

Dù pháp luật quy định rõ ràng như vậy, nhưng trên thực tế không phải ai cũng có ý thức thật đầy đủ rằng, với hành vi thiếu tôn trọng, tùy tiện đem bí mật đời tư của người khác ra để đùa cợt, chỉ trích sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Rất có thể một ngày nào đó, họ cũng sẽ trở thành nạn nhân của nạn xâm hại đời tư từ lối sống vô trách nhiệm của chính bản thân mình.