Quảng bá du lịch gắn với sản phẩm, thương hiệu quốc tế

Với đây, trên các phương tiện truyền thông quốc tế, thương hiệu thời trang cao cấp thế giới Louis Vuitton (LV) đã công bố chiến dịch quảng bá những mẫu túi xách kinh điển với tên gọi The spirit of travel (tạm dịch: Tinh thần của những chuyến đi). Trong đó, vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ của các điểm đến hàng đầu Việt Nam là: Hạ Long, Sa Pa, Ninh Bình, Hội An đã được lựa chọn làm bối cảnh chính cho những thước phim quảng bá của chiến dịch.

Qua những góc quay tinh tế, sang trọng, sản phẩm của LV nổi bật và hòa quyện vào cảnh sắc ngoạn mục của các danh thắng nước ta, tôn vinh nhau và tạo nên những ấn tượng bất ngờ. Những hình ảnh này đã nhận được nhiều lời ngợi khen từ cộng đồng mạng trên toàn thế giới dành cho vẻ đẹp thanh bình, kỳ diệu của Việt Nam.

Theo các chuyên gia về du lịch, việc LV lựa chọn các điểm đến của Việt Nam, trong đó có nhiều nơi được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới để quảng bá cho những sản phẩm cao cấp của hãng đã gián tiếp truyền thông điệp về điểm đến đẳng cấp quốc tế của Việt Nam, hướng đến thu hút dòng khách du lịch hạng sang, có mức chi tiêu cao. Dưới góc độ xúc tiến du lịch, hiệu ứng từ sự kết hợp thú vị này một lần nữa cho thấy, những thước phim, hình ảnh sống động chính là một trong những kênh quảng bá hữu hiệu đối với thương hiệu du lịch quốc gia. Ðồng thời, đây cũng là cách thức hợp tác mà ngành công nghiệp không khói nước ta cần chủ động quan tâm khai thác nhiều hơn.

Những năm 90 của thế kỷ trước, từng có các phim của điện ảnh Pháp như Người tình, Ðông Dương sau khi ra mắt đã khiến nhiều người nước ngoài phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Hay gần đây, khi bộ phim bom tấn Kong: Skull Island công diễn đã lan tỏa rộng rãi các điểm đến ở Ninh Bình và Quảng Bình của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới… Với du lịch trong nước cũng tương tự, đơn cử, cơn sốt phòng vé và thành công vang dội từ những bộ phim như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay Chuyện của Pao đã góp phần giúp cho những vùng đất như Phú Yên, Hà Giang thật sự trở thành những điểm đến mời gọi. Rõ ràng, sự sống động của những thước phim không chỉ mang về thành công cho những người thực hiện mà còn giúp bối cảnh quay thu hút sự chú ý mạnh mẽ của khách du lịch. Bên cạnh tính hiệu quả, đây còn là cách thức quảng bá ít tốn kém, đặc biệt phù hợp với du lịch Việt Nam, khi mà nguồn kinh phí xúc tiến, quảng bá du lịch của nước ta còn hạn hẹp.

Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh kênh quảng bá này, chắc chắn không thể chỉ trông chờ các đoàn làm phim quốc tế hay thương hiệu nổi tiếng thế giới tự tìm đến thực hiện ý tưởng mà cần có sự chủ động mời gọi, lên kế hoạch hợp tác. Việc hợp tác này có thể thực hiện dưới nhiều hình thức như: ngành du lịch bắt tay với ngành điện ảnh để đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam qua các dự án phim hợp tác quốc tế; xây dựng các chính sách ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục cấp phép để thu hút các nhà làm phim quốc tế, thương hiệu lớn tới thực hiện phim trên cơ sở bảo tồn, không xâm hại giá trị cảnh quan điểm đến, đi kèm những điều kiện ràng buộc như phải giới thiệu tên điểm đến ở các thước phim khi trình chiếu… Ngành văn hóa cũng cần nghiên cứu đầu tư thực hiện những bộ phim Việt Nam chất lượng, có khả năng quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam để trình chiếu ở những sân chơi lớn, góp phần lan tỏa thương hiệu du lịch Việt Nam tới thế giới.