Quản lý chất thải gắn với nền kinh tế tuần hoàn

Việc khai thác nguồn tài nguyên đến cạn kiệt, không thực hiện đúng các quy trình đã làm cho ô nhiễm môi trường gia tăng, tác động lớn đến môi trường sống của nhân loại. Đây vừa là thách thức, vừa là động lực thúc đẩy các quốc gia trên thế giới cần sớm thay đổi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với nguyên tắc không làm phương hại đến môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh - sạch - nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

Nền kinh tế sản xuất thông thường bắt đầu từ khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng là thải bỏ, thì nền kinh tế tuần hoàn hướng tới khôi phục và tái tạo để sản xuất các sản phẩm khác. Cách làm đó giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng, thay vì tiêu tốn chi phí khai thác tài nguyên mới và chi phí xử lý chất thải, đồng thời tránh tạo ra phế thải. Việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn (CTR), nhất là CTR đô thị thông qua cách tiếp cận 3R (tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu) tại nhiều nước trên thế giới bước đầu mang lại kết quả tích cực.

Tại Việt Nam, nhu cầu nguồn nguyên vật liệu, năng lượng luôn ở mức cao để sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu đã làm gia tăng lượng phát sinh CTR. Việc quản lý chất thải nói chung, nhất là chất thải nhựa, chất thải từ bao bì sau khi sử dụng đang là một vấn đề thách thức đối với môi trường và sức khỏe của người dân. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) tích cực hoàn thiện thể chế, pháp luật trong quản lý; đưa các công nghệ xử lý CTR tiên tiến về Việt Nam, góp phần giảm ảnh hưởng xấu của CTR tại các đô thị trên toàn quốc. Mặt khác, hợp tác với các bên liên quan, nhằm cùng tìm kiếm giải pháp bảo vệ môi trường thông qua việc tăng cường hiệu quả quản lý CTR; thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn; xây dựng cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, doanh nghiệp và hỗ trợ các sáng kiến thân thiện môi trường. Mới đây, Bộ TN và MT và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã ký biên bản hợp tác giữa hai bên, nhằm chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn và trách nhiệm trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, thông qua các hoạt động giảm bớt, phân loại, thu gom và tái chế chất thải trong quá trình sản xuất.

Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng, để từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia, tiếp cận với phương thức, công cụ quản lý tiên tiến, ứng dụng công nghệ hàng đầu trong việc xử lý CTR đô thị theo hướng: “coi rác thải là nguồn tài nguyên; quản lý CTR phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức áp dụng kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để xây dựng tương lai bền vững cho doanh nghiệp theo tinh thần làm thế nào để sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên, sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải tái chế, dùng nguyên liệu sinh học. Tiếp tục đổi mới, đầu tư các công nghệ xử lý CTR tiên tiến, hiện đại giúp việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên…

Bộ TN và MT với vai trò là đầu mối cần tập trung xây dựng chính sách, lộ trình tiến tới loại bỏ chất thải nhựa sử dụng một lần và ni-lông không phân hủy; xây dựng mô hình công nghệ hướng tới kinh tế tuần hoàn, nói không với rác thải nhựa và ni-lông không phân hủy. Mỗi người dân cần thay đổi thói quen trong việc sử dụng sản phẩm từ nhựa, chủ động tham gia phân loại, tái sử dụng hoặc tái chế rác thải; tích cực tham gia các mô hình kinh tế tuần hoàn được triển khai tại cộng đồng… Đây là những giải pháp thiết thực, lâu dài để mang lại sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân gắn với bảo vệ môi trường.