Quả nhãn “vượt biển” sang Xin-ga-po

16 tấn nhãn đầu tiên của tỉnh Hải Dương vừa được Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Rồng Ðỏ, TP Hồ Chí Minh xuất khẩu sang Xin-ga-po theo đường biển. Dự kiến năm 2020, công ty sẽ thu mua nhãn Hải Dương xuất khẩu đi nhiều thị trường, trong đó chủ đạo là Xin-ga-po, Ô-xtrây-li-a và châu Âu.

Sau quả vải xuất khẩu sang Nhật Bản, đến lượt quả nhãn “vượt biển” sang Xin-ga-po và sắp tới là sang các thị trường mới khác. Ðây cũng là hai loại quả đặc sản, có sản lượng cao tại nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng,  lâu nay phụ thuộc chủ yếu vào sức mua từ thị trường Trung Quốc. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nhãn của nhiều vùng trồng, nhất là khi thị trường Trung Quốc hạn chế giao thương thì việc mở cửa được các thị trường mới, chất lượng cao là thành công lớn của ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương nói riêng và của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Ðây cũng là cơ sở quan trọng để khẳng định chất lượng và thương hiệu nhãn Hải Dương tại thị trường trong nước và trên thế giới. Không những thế, nó còn đem lại thu nhập cao cho nông dân khi nhãn xuất khẩu được thu mua với giá cao hơn khoảng 30% so với giá thị trường. Hiện toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 50 ha nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường chất lượng cao.

Từ những thành quả này cho thấy, khi sản xuất theo quy trình kỹ thuật, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… thì  sản phẩm nông nghiệp nước ta hoàn toàn có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật của nhiều thị trường nhập khẩu và đạt mức giá bán cao hơn nhiều so với tiêu thụ nội địa hay xuất sang thị trường Trung Quốc. Vì vậy, sản xuất sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn phải trở thành hướng đi của tất cả các vùng trồng cây ăn quả trên cả nước, để việc tiêu thụ không còn là bài toán khó. Mỗi địa phương cần hình thành các vùng sản xuất lớn, có kết nối giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp xuất khẩu trên cơ sở tuân thủ quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ðiều này cũng đòi hỏi người nông dân phải thay đổi tư duy từ canh tác truyền thống, theo kinh nghiệm, chuyển sang canh tác theo tiêu chuẩn, kỹ thuật cụ thể từ khâu chăm sóc, sử dụng vật tư nông nghiệp đến thời điểm và cách thức thu hoạch, từng bước trở thành “nông dân chuyên nghiệp”.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang triển khai đàm phán để tiếp tục mở cửa xuất khẩu quả nhãn sang Nhật Bản. Ngoài ra, quả bưởi Việt Nam cũng đang được đàm phán để xuất khẩu sang Hàn Quốc, dự kiến hoàn tất hồ sơ vào quý I-2021. Với thị trường châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực đang tạo ra lợi thế lớn cho nông sản xuất khẩu của nước ta. Ðây chính là những điều kiện thuận lợi để các địa phương trọng điểm về cây ăn quả nhanh chóng hình thành và phát triển  vùng cây chuyên canh có chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, đón đầu cơ hội xuất khẩu sang các thị trường chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng cho trái cây Việt Nam.