Phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh

Thời gian gần đây, tại các trường học xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tích (TNTT), có trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không tốt đến an ninh, trật tự trường học, an toàn tính mạng của học sinh. Mới đây nhất, một cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP Hồ Chí Minh) bất ngờ bị bật gốc, đổ xuống khiến một học sinh bị chết và nhiều học sinh bị thương gây lo lắng trong xã hội.

Để bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống TNTT cho học sinh, ngành giáo dục cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục về phòng, chống TNTT. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng, phương pháp phòng, chống TNTT trong sinh hoạt, trong các hoạt động giáo dục và hoạt động vui chơi cho học sinh. Các cơ sở giáo dục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; các quy định về quản lý và xử lý các loại hóa chất độc hại, quy trình quản lý phòng thí nghiệm, an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm môi trường trường học an toàn. Ngành giáo dục phối hợp các địa phương, ban, ngành có liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong thực hiện các điều kiện bảo đảm trường học an toàn, phòng, chống TNTT…

Đáng chú ý, nhiều địa phương, trường học đã tích cực phối hợp triển khai hệ thống biển cấm, biển cảnh báo tại những nơi nguy hiểm, nơi có nguy cơ cao xảy ra TNTT. Xây dựng và nhân rộng mô hình “Trường học an toàn phòng, chống TNTT”, “Cổng trường an toàn giao thông”… Xây dựng phong trào “Đội tuyên truyền nhỏ” trong mỗi nhà trường, mỗi lớp học, tuyên truyền đến từng học sinh về nguyên nhân, tác hại và cách phòng, chống TNTT. Các trường xác định các nguy cơ và hướng dẫn cách loại bỏ nguy cơ gây TNTT đối với học sinh trong trường học… Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tổng phụ trách đội, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ, nhân viên nhà trường trong việc quản lý, giáo dục, bảo đảm an toàn học sinh. Phối kết hợp chặt chẽ nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa TNTT học sinh. Các địa phương tích cực rà soát cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục loại bỏ các công trình không bảo đảm chất lượng, không an toàn đối với học sinh và giáo viên. Đồng thời, bố trí kinh phí để cải tạo, sửa chữa các công trình đã xuống cấp, xây mới các công trình còn thiếu. Việc cải tạo các công trình tuân thủ các yêu cầu của thiết kế trường học, đáp ứng mục đích và tính đặc thù của đối tượng sử dụng…

Nhiều giải pháp được các cấp, các ngành, trường học, thầy giáo, cô giáo và cha mẹ học sinh đưa ra nhằm giảm nguy cơ TNTT đối với học sinh. Tuy nhiên, vẫn có những tai nạn đáng tiếc, nguy cơ mất an toàn xảy ra trong nhiều tình huống khác nhau. Vì vậy, ngoài những giải pháp chung, mỗi nhà trường, mỗi thầy giáo, cô giáo cần có những giải pháp riêng cho trường mình, lớp mình để bảo đảm an toàn học sinh. Việc phòng, chống TNTT cho học sinh cần được coi là việc thường xuyên, chú ý đến các tình huống nhỏ nhất trong trường từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường cảnh quan đến an toàn thực phẩm, tổ chức các hoạt động vui chơi cho học sinh. Trang bị cho học sinh các kỹ năng nhận biết, đề phòng tình huống, khả năng thoát hiểm để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra TNTT. Chỉ khi vấn đề bảo đảm an toàn, phòng tránh TNTT cho học sinh và ý thức phòng tránh trong mỗi cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh thường xuyên được chú trọng và quan tâm đúng mức mới có thể hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra những sự việc đáng tiếc gây TNTT cho học sinh.