Phòng, chống dịch Covid-19 vẫn phải là nhiệm vụ hàng đầu

Việt Nam đã trải qua 99 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Những trường hợp nhiễm Covid-19 mới ghi nhận thời gian qua đều là những người từ nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam, được cách ly ngay khi nhập cảnh.

Ðây là kết quả hết sức ấn tượng, cho thấy những cố gắng, nỗ lực rất lớn của tất cả các lực lượng chức năng, từ y tế, công an, quân đội đến chính quyền các cấp. Kết quả đó cũng là “mơ ước” của rất nhiều nước trên thế giới. Không có dịch bệnh, đất nước từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, từ tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19 tái phát trở lại ở nước ta là rất cao. Nguồn bệnh từ bên ngoài có thể xâm nhập bất cứ lúc nào, khi vẫn có những người Việt Nam từ nước ngoài trở về, hay những chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân... người nước ngoài sang Việt Nam công tác, làm việc, tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Ðáng lo ngại, thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục người nhập cảnh trái phép, trốn cách ly... tiềm ẩn nguồn lây nhiễm rất nguy hiểm.

Những cảnh báo về nguy cơ đó rất có thể trở thành hiện thực khi tại Ðà Nẵng ngày 23-7 đã xác nhận một người đàn ông 57 tuổi (không đi khỏi nơi cư trú) nghi nhiễm Covid-19. Mẫu bệnh phẩm của trường hợp này được xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Ðà Nẵng và Viện Pa-xtơ Nha Trang đều cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Mẫu bệnh phẩm đang được gửi ra Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư để xét nghiệm khẳng định lần cuối.

Nhằm bảo vệ những thành quả đã đạt được cũng như chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe người dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước, hơn lúc nào hết rất cần sự chung tay, tiếp sức của tất cả các lực lượng liên quan và của mỗi người dân. Nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 vẫn phải được coi là nhiệm vụ hàng đầu để ngăn chặn kịp thời nguồn lây nhiễm xâm nhập từ bên ngoài và khoanh vùng, phát hiện sớm, cách ly, dập dịch từ bên trong. Từng phải trải qua những ngày giãn cách xã hội, khi các hoạt động sản xuất - kinh doanh, giao thông - đi lại, văn hóa - thể thao... bị đình trệ, bắt buộc tạm dừng mới thấy sự quý giá của môi trường không có dịch bệnh. Do vậy, các lực lượng chức năng tiếp tục quản lý chặt chẽ đường biên giới, cửa khẩu, nhất là các đường mòn lối mở, quản lý người nhập cảnh. Mặt khác tiến hành điều tra, xử lý thật nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép vào nước ta... có như vậy mới hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Từ bài học chống dịch của các nước trên thế giới, cho thấy phải luôn cảnh giác cao độ, thực hiện nghiêm các biện pháp ứng phó để tránh tình trạng diễn biến xấu...

Các đơn vị y tế luôn sẵn sàng khi có ca nghi nhiễm hay nhiễm trong cộng đồng thì thực hiện phát hiện, truy vết người tiếp xúc, cách ly, xét nghiệm. Khoanh vùng được sớm nhất, thì quy mô ảnh hưởng sẽ nhỏ nhất và xử lý ngay từ ban đầu để tiến hành dập dịch. Ðồng thời mở rộng hoạt động giám sát đối với các nhóm nguy cơ như người có triệu chứng cảm, cúm, ho, sốt tại cơ sở y tế; những nơi có đông người du lịch; khu vực có nguy cơ dịch tễ... Tại các cơ sở y tế, phát hiện sớm, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly theo quy định, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch.

Sau một thời gian dài không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nhiều người dân đã có tâm lý chủ quan. Do đó mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch mà các cơ quan chuyên môn khuyến cáo, nhất là việc đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, nơi đông người...