Phòng, chống cháy nổ tại các hộ gia đình

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng. Đáng chú ý là hai vụ cháy nhà dân xảy ra vào rạng sáng 30-3, tại phường Cát Lái, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) khiến sáu người chết và vụ cháy rạng sáng 4-4 tại ngôi nhà trên phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa (Hà Nội) khiến bốn người chết.

Qua điều tra của cơ quan công an về các vụ cháy nêu trên, có một điểm chung dễ nhận thấy đó là, các ngôi nhà đều không có lối thoát hiểm nào khác ngoài cửa chính ra vào. Vì vậy, khi xảy ra cháy lớn, cửa chính bị lửa bao trùm, người trong nhà không còn đường để thoát thân. Như ở vụ cháy tại phường Cát Lái, xe máy của các thành viên trong gia đình đều để sát phía cửa chính, cho nên khi xảy ra cháy, khu vực để chạy ra ngoài lại trở thành nơi ngọn lửa bùng dữ dội nhất. Tương tự, ở vụ cháy trên phố Tôn Đức Thắng, tầng 1 của ngôi nhà được chủ nhân kết hợp làm nơi kinh doanh đồ trẻ em, tập trung nhiều đồ đạc, hàng hóa dễ bắt lửa, khiến khu vực cửa chính trở thành nơi lửa cháy lớn, vô hình trung khiến cả gia đình không chạy được ra ngoài, hàng xóm chung quanh cũng không thể đi vào được để cứu giúp. Thực tế này cho thấy, nguy cơ thiệt hại về người khi xảy ra cháy ở các ngôi nhà ở kết hợp với kinh doanh là hiện hữu, trong khi việc quản lý, kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) vẫn đang thiếu những cơ chế chặt chẽ. Một thống kê từ Công an TP Hồ Chí Minh mới đây cho biết, tình hình cháy, nổ ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao về số vụ (hơn 50%) và thiệt hại về người, tài sản (83%). Trong đó, nhiều vụ cháy để lại hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
 
 Theo cảnh sát PCCC, nguyên nhân dẫn tới các vụ cháy nhà dân có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do việc sử dụng điện gây chập, cháy, nổ. Đáng chú ý, việc sử dụng các thiết bị điện không tính toán đến công suất, khả năng chịu tải của ổ cắm, dây điện, chưa kể nhiều người có thói quen không rút các thiết bị điện khi không sử dụng. Điều này tưởng chừng như vô hại nhưng rất dễ nguy cơ dẫn tới những hậu quả khủng khiếp. Chỉ một chiếc máy sấy tóc nếu sử dụng xong không rút ra, lâu ngày có thể dẫn tới chập, cháy, có thể gây cháy nhà nếu không được phát hiện kịp thời... Bên cạnh đó, những vụ cháy nhà dân gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra còn có nguyên nhân từ chính ý thức phòng tránh cháy, nổ tại các hộ gia đình từ lâu nay vẫn bị xem nhẹ, chủ quan, thậm chí không quan tâm. Thực tế nhiều gia đình còn thiếu các thiết bị PCCC cơ bản như: chuông báo khói, bình cứu hỏa, mặt nạ chống khói, dây, thang, búa thoát hiểm. Hoặc có gia đình trang bị theo kiểu “cho có”, mua nhưng không học cách sử dụng, mua nhưng bỏ quên các thiết bị dẫn tới khi cháy không tìm thấy kịp thời để sử dụng.
 
 Để tránh những vụ cháy, nhất là cháy trong các hộ gia đình, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) khuyến cáo, mỗi người dân cần trang bị cho mình kiến thức chuyên sâu về PCCC, thường xuyên tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình về các mối nguy hiểm khi xảy ra cháy, nổ. Trang bị các thiết bị PCCC cho gia đình, nhất là bình cứu hỏa, nên có nhiều bình đặt ở các khu vực trong nhà. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở, trường hợp cần dự trữ thì chỉ dự trữ với số lượng ít nhất. Ô-tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu... phải kín. Phải lắp thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi; không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện. Đối với những ngôi nhà dạng “nhà ống”, không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người chung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.