Phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện Dự thảo Ðề án "Phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025"; dự kiến triển khai thực hiện ở chín tỉnh, thành phố ven biển miền trung, gồm: Quảng Bình, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Theo dự thảo đề án, Bộ đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng sản lượng tôm hùm nuôi đạt 3.000 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD; từng bước hình thành các vùng sản xuất và xuất khẩu tôm hùm trọng điểm; vùng nuôi được kiểm soát môi trường và dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn lao động; 100% cơ sở nuôi tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản...

Nghề nuôi tôm hùm góp phần quan trọng tạo việc làm, đem lại thu nhập đáng kể cho một bộ phận dân cư ven biển miền trung. Lấy Khánh Hòa làm thí dụ. Là một trong những địa phương có lợi thế và tiềm năng, Khánh Hòa có hơn 50 nghìn lồng nuôi tôm hùm, sản lượng hằng năm gần 1.500 tấn. Tuy nhiên thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm đang đối diện nhiều thách thức và rủi ro khi không chủ động được con giống; phải sử dụng thức ăn tươi; công nghệ nuôi theo lồng gỗ truyền thống không chịu được sóng lớn; môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm; đầu ra gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu tiểu ngạch...

Vấn đề mấu chốt của nghề nuôi tôm hùm là chủ động được con giống và phòng, chống dịch bệnh. Nhưng hiện nay, Việt Nam vẫn chưa sản xuất được giống nhân tạo. Ở Khánh Hòa, người dân trong vùng biển Nha Phu đang phải lặn, bẫy bắt từng con tôm hùm con chỉ nhỉnh hơn que tăm một chút, đem nuôi. Nguồn giống khai thác tự nhiên không ổn định; không đáp ứng được yêu cầu thả nuôi lâu dài. Hoặc như lâu nay, người nuôi gần như bó tay trước bệnh sữa của tôm hùm. Con tôm mắc bệnh là cầm chắc cái chết. Như vậy, rõ ràng, khoa học - công nghệ của chúng ta chưa theo kịp thực tiễn sản xuất. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ cao để giải quyết được những vấn đề về giống, về ngăn ngừa dịch bệnh cho tôm hùm.

Ðầu ra cho sản phẩm tôm hùm cũng đang là trở ngại lớn. Tôm hùm của Việt Nam hầu hết được xuất khẩu tươi sống nguyên con sang các thị trường Trung Quốc, Xin-ga-po... Một lượng lớn trong số đó lại xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch, cho nên kim ngạch xuất khẩu cũng như giá cả rất bấp bênh. Thậm chí ở Khánh Hòa có thời điểm rao bán tôm hùm không ai mua. Bên cạnh đó, cũng còn tình trạng người dân không nghe theo hướng dẫn của cơ quan quản lý mà đua nhau nuôi tự phát, cho nên sản phẩm chưa đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính.

Do đó, thời gian tới, cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp nâng cao tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch; mở rộng tiêu thụ thị trường trong nước nhằm tạo ra hướng đi lâu dài cho tôm hùm thương phẩm Việt Nam. Ðể thực hiện có hiệu quả việc tổ chức liên kết, tạo thành chuỗi đầu tư sản xuất, bao tiêu, xuất khẩu sản phẩm giữa các doanh nghiệp với người nuôi tôm hùm là hết sức quan trọng.