Ðơn giản hóa "thủ tục hành chính" về chức danh nghề nghiệp

Quy định về tiêu chuẩn ngày càng cao của chức danh nghề nghiệp đối với công chức, viên chức (CCVC) là thật sự cần thiết nhằm chuẩn hóa năng lực đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Thực tiễn đã chứng minh tính hiệu quả của chủ trương này: Hiện nay, tình trạng quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng, sử dụng cán bộ không đúng đối tượng, không đáp ứng nhu cầu công việc cơ bản được khắc phục một phần. Những năm qua, Bộ Nội vụ tiến hành kiểm tra tại hàng loạt bộ, ngành, địa phương, phát hiện nhiều cán bộ, CCVC khi được bổ nhiệm, xét hạng, tuyển dụng chưa bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục hoặc không có căn cứ tuyển dụng… đã đề nghị thu hồi các quyết định.

Mới đây nhất, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã họp kỳ thứ hai, trong đó, có nội dung xem xét báo cáo kết quả kiểm tra về công tác cán bộ tại tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua. Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhận thấy: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về trách nhiệm nêu gương và các quy định của Ðảng, Nhà nước trong việc bổ nhiệm một số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Do đó, yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thu hồi, hủy bỏ các nghị quyết, quyết định không đúng quy định về công tác cán bộ, đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều quy định hiện không còn phù hợp thực tiễn, không giúp nâng cao chất lượng đội ngũ mà ngược lại, trở thành lực cản. Vừa qua, dư luận xã hội và báo chí phản ánh về những vướng mắc trong quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với CCVC. Những bất cập này ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích chính đáng của nhiều CCVC trong cả nước. Tại Công văn số 1797/VPCP-TCCV (ngày 19-3-2021), Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến, đề nghị Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NÐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, CCVC; đồng thời, giao các bộ đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2021.

Trong thực tế, các quy định về tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đối với CCVC do Chính phủ ban hành thường chỉ mang tính nguyên tắc, nêu yêu cầu, còn tiêu chí cụ thể tùy nơi áp dụng theo nhu cầu công việc cụ thể. Từ đó dẫn đến việc, nhiều địa phương, bộ, ngành, đơn vị thực hiện một cách cứng nhắc, đồng nhất các loại chứng chỉ bắt buộc và chứng chỉ không bắt buộc trong quản lý CCVC; coi các loại chứng chỉ là "điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp" cùng với các loại chứng chỉ thuộc về "bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ" là điều kiện bắt buộc cần có đối với CCVC mà không gắn với vị trí việc làm (VTVL). Việc không phân loại chứng chỉ đã gây lãng phí lớn về thời gian và tiền của cho xã hội. Sự tùy tiện trong việc áp dụng các quy định còn ảnh hưởng quyền lợi của cán bộ, CCVC. Mới đây, có ý kiến phản ánh về một số trường hợp cán bộ cấp phòng, cấp phó vụ trưởng... bị dừng bổ nhiệm vì "thiếu chứng chỉ tin học hoặc ngoại ngữ", trong khi họ có năng lực, kiến thức, thành thạo kỹ năng này. Nhiều CCVC trẻ cũng cho biết, khi học ở bậc đại học, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ được đào tạo bài bản, tích hợp vào văn bằng khi tốt nghiệp, có nghĩa là, khi cầm tấm bằng trong tay, trình độ tin học và ngoại ngữ của họ đã ngang bằng, thậm chí có giá trị hơn tấm chứng chỉ cần bổ sung sau này. Thế nhưng, do chưa có sự liên thông về chứng chỉ, mà quá trình xin việc hay xét hạng sau này, họ vẫn phải bổ sung các loại chứng chỉ, học lại những kiến thức đã học, kỹ năng đã sử dụng thuần thục…

Rà soát, bãi bỏ chứng chỉ không có nghĩa là bỏ các quy định về trình độ, năng lực, mà chỉ nên kiểm tra, sát hạch đối với từng đối tượng cụ thể, dựa trên cơ sở là xây dựng VTVL phù hợp trong từng cơ quan, đơn vị. Trước mắt, Bộ Nội vụ cần phối hợp các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NÐ-CP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan nhằm bảo đảm tính liên thông với VTVL, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, giúp các bộ, ngành, địa phương, đơn vị dễ hiểu, dễ thực hiện. Bên cạnh đó, cần quán triệt thực hiện tốt các quan điểm chỉ đạo của Ðảng về đánh giá năng lực và nâng cao chất lượng CCVC, cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ các cấp, các ngành theo VTVL, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Từ đó, xây dựng các tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học trong tổ chức thực hiện… tạo đột phá trong đánh giá trình độ, năng lực CCVC, bảo đảm đổi mới căn bản phương thức quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước mà không dựa vào những tiêu chuẩn mang tính hình thức.

VĨNH KHANG