Ổn định nơi ở và khôi phục sản xuất

Từ đầu tháng 10 đến nay, dải đất miền trung liên tiếp hứng chịu tám cơn bão. Hậu quả trực tiếp của bão tuy không lớn, nhưng hoàn lưu bão gây mưa to trên diện rộng cùng tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng đã làm hàng trăm nghìn hộ dân hư hỏng nhà cửa, ruộng vườn bị tàn phá, lương thực, tài sản bị cuốn trôi.

Trong và ngay sau các đợt mưa, lũ, Ðảng, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân miền trung khắc phục hậu quả thiên tai. Người dân cả nước cũng tích cực kêu gọi, tham gia phong trào ủng hộ nhân dân miền trung. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế cũng có nhiều hoạt động kịp thời, quyên góp, hỗ trợ. Nhiều tổ chức, cá nhân trực tiếp kêu gọi, thành lập các nhóm thiện nguyện, trực tiếp đến các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai để hỗ trợ bà con vùng lũ.

Thực tế tại một số vùng thiên tai miền trung sau mưa, lũ cho thấy, mọi hỗ trợ, ủng hộ về tinh thần, vật chất với đồng bào miền trung bị lũ lụt đều đáng quý. Thế nhưng, ở một vài nơi vẫn xảy ra những chuyện không vui. Chúng tôi từng chứng kiến cảnh người dân vùng lũ mang mì ăn liền thừa đi bán để mua gạo; cả kho quần áo không người nhận do không phù hợp với người dân nông thôn; cả thuyền sách vở không học sinh nào nhận vì chương trình học đã lạc hậu...

Sau lũ, hàng trăm nghìn hộ dân mất nhà, cửa cần có nơi ở ổn định. Ðặc biệt với sản xuất, do lũ lớn, mưa to kéo dài, toàn bộ trang thiết bị, vật tư, cây, con giống; gia súc, gia cầm và lương thực dự trữ hư hỏng, bị cuốn trôi; chuồng nuôi bị phá hủy, ruộng vườn bị sa bồi, thủy phá. Những hoạt động hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước, của cộng đồng đã góp phần giúp người dân gượng dậy sau lũ, song, để sớm trở lại nhịp sống bình thường, vấn đề mấu chốt là cần khẩn trương giúp họ ổn định nơi ăn chốn ở, khôi phục sản xuất. Chỉ có khôi phục sản xuất bằng vật tư, cây, con giống và hỗ trợ khôi phục hạ tầng sản xuất mới giúp bà con vùng lũ nhanh chóng có lương thực, có thu nhập, để ngay sau lũ dữ, những cánh đồng, thửa ruộng lại lên xanh.

Kim Bảng