“Ðòn bẩy” phát triển dệt may

Trong bảy tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt 18,3 tỷ USD, tăng 10,5% so cùng kỳ năm trước và bằng 45,7% kế hoạch năm. Ðể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm nay, đòi hỏi DN phải triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm gia tăng giá trị, mở rộng và phát triển thị trường.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, các thị trường xuất khẩu truyền thống vẫn được duy trì và phát triển ổn định khi mặt hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 12,8% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 46,9% tổng lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Các nước thuộc Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng 11,1%, chiếm tỷ trọng 16,7%; Liên hiệp châu Âu (EU) tăng 10,4%, chiếm tỷ trọng 13,3%, Hàn Quốc tăng 5,5%, chiếm tỷ trọng 8,9%,...

Bên cạnh việc giữ ổn định và phát triển các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp (DN) đang phải đối diện rất nhiều khó khăn khi sự cạnh tranh về giá diễn ra ngày càng gay gắt, sự dịch chuyển đơn hàng, biến động về nhân lực,... gia tăng. Tình trạng khan hiếm đơn hàng diễn ra tại một số DN và chỉ đạt khoảng 70% so cùng kỳ năm trước. Việc khan hiếm không chỉ xảy ra tại những DN nhỏ lẻ mà còn ở cả một số DN quy mô sản xuất lớn, với hàng chục nghìn người lao động. Ðiều này được cho là dấu hiệu bất thường, trái ngược những dự đoán đầu năm về sự khởi sắc của thị trường.

Không chỉ vậy, tình trạng cạnh tranh gay gắt về nguồn lao động, chi phí sản xuất ngày càng gia tăng cũng là vấn đề khiến các DN dệt may “đau đầu”. Ðáng chú ý, khi các DN dệt may FDI đang dịch chuyển sang Việt Nam đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, DN cũng phải đối diện tình trạng “nhảy việc” của người lao động sang các DN FDI có cơ chế đãi ngộ, mức lương hấp dẫn hơn. Theo dự báo, tình trạng nghỉ việc của người lao động sẽ tiếp tục diễn ra từ nay đến hết năm, với mức dao động khoảng 5% trên tổng số lao động của các công ty. Do đó, để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới là vấn đề không dễ dàng, đòi hỏi DN cần sớm có giải pháp thu hút người lao động; đầu tư thiết bị, công nghệ mới.

Mặt khác, trước áp lực cạnh tranh của thị trường, khi lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam không còn, cùng với việc dịch chuyển đơn hàng sang một số nước trong khu vực như Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma,... có lợi thế hơn Việt Nam các DN cần tiết giảm đến mức thấp nhất chi phí, tăng cường công tác quản trị, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.

Việc Việt Nam ký và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,... được coi là tiền đề để các DN đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Do đó, muốn tận dụng tốt các cơ hội mang lại, đòi hỏi DN phải thành lập được chuỗi liên kết từ nguyên phụ liệu, sử dụng sản phẩm theo chuỗi, hướng đến mục tiêu cùng nâng cao chất lượng cũng như giá thành sản phẩm. Chuyển dần phương thức sản xuất từ cắt may thuê sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm). Ngoài ra, cần nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc cắt giảm chi phí đầu vào, tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý theo thực trạng DN,... Bên cạnh sự nỗ lực của DN, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách cụ thể, thích hợp nhằm khuyến khích ngành dệt may phát triển, ưu tiên đầu tư các khâu, các mắt xích mà ngành còn yếu kém, nhất là “điểm nghẽn” như khâu dệt, nhuộm hoàn tất,... Có như vậy, mới tạo “đòn bẩy” để ngành dệt may phát triển ổn định và bền vững, chiếm vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.