Ô nhiễm tiếng ồn đô thị

Từ khi có phố đi bộ, vào khoảng 19 giờ thứ sáu hằng tuần (thời gian bắt đầu ngăn khu vực đi bộ), tiếng nhạc từ phía hồ Hoàn Kiếm thường vang lên ầm ĩ, tuần nào cũng từng ấy bài, không thay đổi, nghe rất nhàm chán, khó chịu. Người dân cư trú gần phố đi bộ còn làm việc vào khung giờ này hoặc muốn nghỉ ngơi thì lại bị thứ âm thanh đó “tra tấn”.

Còn nhớ khi Hà Nội chưa bỏ loa phường, ngày vài lần, người dân ở gần khu vực đặt loa bị “hành hạ” bởi tiếng loa, nhất là buổi sáng những ngày cuối tuần, muốn ngủ thêm một chút cũng không được. Nhưng vừa thoát tiếng loa thì ông cậu tôi năm nay ngoài 80 tuổi, sống ở khu đô thị Đại Kim, gần đây gọi điện thoại mếu máo hỏi có cách nào không nhà báo, quán ka-ra-ô-kê giáp nhà ông hoạt động suốt từ khoảng 10 giờ đến 0 giờ ngày hôm sau, người già không có lúc nào yên tĩnh để nghỉ ngơi cả. Khi chúng ta đang đi ngoài đường, nhiều người giật mình suýt ngã xe vì tiếng còi ô-tô to bất thường hoặc tiếng xe phân khối lớn lắp ống xả được độ lại sao cho âm thanh phát ra càng to càng sành điệu...

Trong vô số loại tiếng ồn đô thị tại Hà Nội và các thành phố lớn mà các nhà chuyên môn từng cảnh báo đã đến mức ô nhiễm, thì những tiếng ồn kể trên phần lớn là do hành vi thiếu ý thức của con người gây ra. Không gian đô thị được ví như một chiếc hộp khổng lồ, âm thanh trong đó sẽ bị cộng hưởng và khuếch đại, tùy từng hoàn cảnh. Cường độ tiếng ồn hiện nay ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã vượt mức cho phép hơn 10%, là một dạng ô nhiễm vô hình nhưng rất nguy hại với sức khỏe, về mức độ chỉ đứng sau ô nhiễm không khí.

Ngoài những hậu quả tiêu cực gây ra cho thính giác, chức năng thần kinh, tim mạch, việc học tập và nghỉ ngơi…, thì tiếng ồn còn gây ảnh hưởng tiêu cực lên hành vi của con người. Người thường xuyên sống trong môi trường tiếng ồn quá mức thường thiếu kiên nhẫn, bực bội, nóng nảy, hay gây gổ với người khác hoặc ngược lại, trở nên xa lánh, vô cảm…

Nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, cùng với đó là đô thị hóa, cho nên tình trạng ô nhiễm tiếng ồn sinh ra từ quá trình này là khó tránh khỏi, nhưng cần phải được hạn chế đến mức thấp nhất vì sức khỏe của cộng đồng và sự phát triển bền vững của xã hội. Ngoài những nguyên nhân chính như quy hoạch đô thị yếu kém, tình trạng xây dựng, sản xuất, kinh doanh, hạ tầng giao thông và giao thông còn nhiều bất cập, thì ô nhiễm tiếng ồn do sinh hoạt có nguyên nhân trực tiếp từ ý thức và hành vi của cư dân đô thị, những người lao động ngoại tỉnh, người ngụ cư đổ về thành phố vẫn giữ thói quen sinh hoạt làng xã, tùy tiện, không tuân thủ nếp sống văn minh đô thị.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ, ngành liên quan đã quy định những mức xử phạt nghiêm khắc với hành vi gây tiếng ồn quá mức cho phép; mức phạt cao nhất lên tới 160 triệu đồng, kèm theo các hình phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động, bồi thường thiệt hại (nếu có). Thế nhưng thực tế, tiếng ồn vẫn “luồn lách” trong các ngóc ngách đời sống đô thị, hình thức vi phạm muôn màu muôn vẻ, không phải lúc nào cũng có thể phân xử bằng luật pháp. Vì vậy, bên cạnh việc các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm tiếng ồn thì từng người dân đô thị cần phải tự thay đổi, nâng cao ý thức giữ gìn nếp sống văn minh, tránh tạo thêm tiếng ồn trong sinh hoạt, giải trí, mưu sinh… Đó cũng là tự bảo vệ mình và giúp người khác hạn chế tác hại từ loại ô nhiễm vô hình này.