Nội lực điền kinh Việt Nam

Giải điền kinh vô địch quốc gia năm 2020 vừa kết thúc tại Hà Nội với sự tham dự của 458 vận động viên (VĐV) đến từ 49 đoàn của các tỉnh, thành phố, ngành là nỗ lực lớn của Tổng cục Thể dục - Thể thao và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cũng như của các huấn luyện viên và VĐV trong hoàn cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp suốt thời gian qua, đồng thời cũng mang lại nhiều bất ngờ thú vị.

Bên cạnh các tuyển thủ quốc gia vẫn duy trì thành tích cao, đã xuất hiện nhiều vận động viên VĐV trẻ kế cận thi đấu xuất sắc, giành được Huy chương vàng (HCV), thiết lập nên những kỷ lục quốc gia. Tại giải năm nay, các chân chạy chủ lực của đội tuyển điền kinh nước ta vẫn cho thấy phong độ ổn định với sự vượt trội trên đường đua. Ở nội dung của nữ, tuyển thủ quốc gia Lê Tú Chinh đứng đầu khi giành được năm HCV, trong đó có hai ngôi vô địch cá nhân cự ly ngắn 100 m và 200 m cùng ba tấm HCV đồng đội 4x100 m nữ, 4x200 m nữ và 4x100 m hỗn hợp nam nữ. VĐV xuất sắc nhất giải Nguyễn Thị Oanh đã đoạt bốn HCV cá nhân, nổi bật là kỷ lục quốc gia ở nội dung 10.000 m nữ với thành tích 34 phút 8 giây 54, phá sâu kỷ lục quốc gia đã tồn tại 17 năm, đồng thời giành chiến thắng các cự ly trung bình 1.500 m, 3.000 m vượt chướng ngại vật và 5.000 m. Trong khi đó, VĐV Nguyễn Văn Lai tiếp tục thống trị ngôi vị số 1 ở đường chạy 5.000 m và 10.000 m nam… Điều đáng ghi nhận ở giải đấu là cuộc đổi ngôi ở một số nội dung khi các VĐV trẻ đã vượt qua đàn anh. Tuyển thủ quốc gia từng giành tám HCV SEA Games Dương Văn Thái đã không thể giành HCV ở cả hai cự ly sở trường 800 m và 1.500 m bởi thua đàn em Trần Văn Đảng (Hà Nội). Quách Thị Lan cũng lần đầu vượt qua nhà vô địch SEA Games 30 Nguyễn Thị Huyền ở cả nội dung 400 m (52 giây 46) và 400 m rào nữ (55 giây 95). Nổi bật trong các VĐV trẻ còn có Phùng Thị Huệ (17 tuổi) đạt thành tích 11 giây 78 ở cự ly 100 m nữ, Ngần Ngọc Nghĩa phá kỷ lục quốc gia 100 m nam (10 giây 47)…
 
 Nhìn nhận và đánh giá về giải đấu vừa qua giống như một cuộc tổng duyệt hướng tới hành trình chuẩn bị cho SEA Games 31 sẽ được tổ chức năm sau tại Hà Nội, mang về nhiều niềm vui và cả những âu lo. Qua đó, chúng ta thấy được tiềm năng thật sự để phát huy và cả những thách thức, trở ngại đang ở phía trước. Mục tiêu của điền kinh Việt Nam là giữ vững ngôi nhất toàn đoàn (giành từ 17 đến 19 HCV) tại SEA Games 31 và hướng tới vòng loại Ô-lim-pích 2021. Trọng trách này đặt trên vai không chỉ các tuyển thủ kỳ cựu mà cả những VĐV trẻ vừa có màn trình diễn xuất sắc tại giải vô địch quốc gia. Điều này đòi hỏi các VĐV trẻ phải có được tâm thế tự tin cùng với sự học hỏi chăm chỉ, không ngừng tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng thi đấu. Có như vậy, họ mới có thể đuổi kịp và vượt lên trước những VĐV dày dạn kinh nghiệm. Nói thì như vậy, nhưng điều kiện để thực hiện đã và đang là những khó khăn và nỗi lo không hề nhỏ. Cho đến thời điểm hiện tại, tất cả chương trình, kế hoạch chuẩn bị trong năm nay đều chưa thể hoàn thành bởi ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến mọi thứ phải thay đổi, từ việc tổ chức các giải lớn đến tập luyện...
 
 Trong bối cảnh như vậy, nhiều ý kiến từ các nhà chuyên môn cho rằng, cần giảm bớt áp lực thành tích có nhiều huy chương từ các địa phương đối với các VĐV của đội tuyển, giúp các tuyển thủ có thể bảo đảm sức khỏe, tập trung vào những nội dung sở trường nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng, kỹ thuật, hướng tới những thành tích đỉnh cao quốc tế. Thực tế cho thấy, một số tuyển thủ đoạt HCV tại giải như Lê Tú Chinh, Ngần Ngọc Nghĩa đã không có được thành tích tốt như trước có phần nguyên nhân mất lực vì bị “vắt kiệt sức” ở nhiều nội dung. Một yếu tố không kém phần quan trọng là việc bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng được điều kiện tập luyện, thi đấu bởi đã có tình trạng các huấn luyện viên không dám cho VĐV tập đầy đủ giáo án và bung hết sức do lo ngại gây ra chấn thương không cần thiết trên các sân bãi điền kinh không tốt. Theo các nhà chuyên môn, chỉ có duy nhất đường chạy tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình sau khi đầu tư nâng cấp là đủ tiêu chuẩn cho việc tập luyện, thi đấu của VĐV điền kinh. Chế độ lương thưởng, dinh dưỡng cũng là vấn đề trăn trở của các huấn luyện viên, VĐV, khiến họ chưa thật sự yên tâm trong tập luyện, thi đấu. Đây cũng là lý do mà nhiều năm qua, điền kinh Việt Nam chưa xây dựng được đội tuyển ma-ra-tông. Thực tế tại giải đấu vừa qua đã cho thấy, sự quan tâm, tạo điều kiện một cách tốt nhất cho các VĐV phát huy khả năng sẽ là nền tảng quan trọng góp phần giúp họ có thể đạt thành tích cao nhất trong thi đấu, đồng thời tạo nên kỳ SEA Games 31 thành công trong năm 2021.