Nói không với hải sản khai thác bất hợp pháp

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), sau hơn ba năm Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng bởi các hành vi khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU giảm liên tục.

Gần đây nhất, năm 2020 giá trị xuất khẩu hải sản sang EU giảm 10% so với năm 2019 và doanh số giảm 28% so với năm 2017. Ðặc biệt, việc bị EC cảnh báo thẻ vàng đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên trường quốc tế.

Ðể gỡ thẻ vàng, thời gian qua Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đã ban hành hàng loạt các văn bản, chỉ thị, công điện, quyết định để chỉ đạo các bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ven biển triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, trọng tâm là thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác bất hợp pháp.

Về phía cơ quan chủ quản là Tổng cục Thủy sản cũng tham mưu cho Bộ NN và PTNT ban hành hàng chục quyết định, văn bản chỉ đạo đôn đốc các địa phương triển khai nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo Bộ tổ chức đoàn kiểm tra các địa phương để chấn chỉnh, kiểm soát hàng thủy sản xuất sang EU... Ðặc biệt để quản lý và khai thác, chế biến, xuất khẩu sản phẩm khai thác từ biển phù hợp luật pháp quốc tế, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, bao gồm Luật Thủy sản năm 2017, hai nghị định của Chính phủ, một quyết định của Thủ tướng Chính phủ và một thông tư của Bộ NN và PTNT… để làm căn cứ triển khai các nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp. Ðồng thời đã gia nhập và triển khai thực hiện Hiệp định Về biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của FAO và Hiệp định Ðàn cá di cư của Liên hợp quốc.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2020 số lượng tàu cá vi phạm các vùng biển nước ngoài đã giảm hơn 50% so với năm 2019. Tuy nhiên, vẫn cần nhận thấy, số lượng tàu cá vi phạm giảm nhưng vẫn còn; thậm chí dù chỉ một vài tàu cá vi phạm cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc gỡ thẻ vàng của EC. Vì vậy, nếu thời gian tới, những vi phạm không được khắc phục triệt để, nguy cơ EC phạt "thẻ đỏ" đối với hải sản khai thác của Việt Nam là rất cao.

Việc quyết liệt ngăn chặn, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp là nhiệm vụ bắt buộc để gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC. Ðể làm được điều này, Bộ NN và PTNT cần tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn cũng như kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai các quy định về chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức chấp hành Luật Thủy sản đến ngư dân, đồng thời thực hiện triệt để các giải pháp chống khai thác IUU theo các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Về phía Tổng cục Thủy sản, cần kiến nghị Chính phủ, Bộ NN và PTNT ưu tiên kinh phí cho phát triển hạ tầng sản xuất thủy sản nói chung và kinh phí triển khai các hoạt động chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Nhất là phân bổ nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất cho các cơ quan liên quan triển khai hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản.

Đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp cần kiên quyết "nói không với thủy sản khai thác IUU", từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU. Ðừng vì lợi ích doanh nghiệp mà dung túng, tiếp tay cho hoạt động khai thác IUU. Chỉ có như vậy mới giữ vững vị thế xuất khẩu quan trọng tại thị trường EU, tiến tới phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, hội nhập, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực ASEAN.