Nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu gạo

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I-2019, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 1,43 triệu tấn, trị giá 593 triệu USD, giảm 3,5% về khối lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Giá gạo xuất khẩu bình quân hai tháng đầu năm cũng chỉ đạt 404 USD/tấn, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2018. Khó khăn trong xuất khẩu gạo quý I đã kéo theo giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long giảm sâu, nhất là thời điểm tháng 2-2019 khi bước vào vụ thu hoạch rộ lúa đông - xuân.

Nguyên nhân sự sụt giảm về khối lượng gạo xuất khẩu một phần là do diễn biến thông thường, những tháng đầu năm thường trùng vào dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trong nước có phần “xả hơi”, chưa đẩy mạnh việc giao hàng, các thương lái thu mua lúa gạo cũng chưa hoạt động trở lại. Còn về mặt thị trường, trong những tháng đầu năm 2019, một số quốc gia vẫn còn lượng gạo dư của năm 2018, cho nên chưa có nhu cầu nhập tiếp, khiến thị trường ít sôi động.

Ngoài ra, một nguyên nhân tác động tương đối lớn chính là việc Trung Quốc - một trong những thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam từ nhiều năm - hiện đã giảm mua gạo từ nước ta. Đồng thời, phía bạn tăng cường các biện pháp kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm đối với gạo nhập khẩu và có những quy định giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu khắt khe hơn. Cho đến thời điểm này, chỉ còn 21 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc. Việc giảm đầu mối xuất khẩu đã dẫn đến khối lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh.

Đối với các thị trường truyền thống khác như Philippines, Indonesia chúng ta cũng đang gặp khó để đẩy mạnh. Cụ thể, Philippines đang muốn mở rộng nguồn cung cấp gạo thông qua việc ký thêm các bản ghi nhớ hợp tác với Pakistan, Myanmar. Trong khi đó, Indonesia cũng hạn chế nhập khẩu vì lượng gạo dự trữ vẫn còn đủ cho tới hết quý II-2019.

Trước tình hình nêu trên, đòi hỏi chúng ta phải tăng cường giải pháp để giữ vững các thị trường truyền thống và thâm nhập vào thị trường mới. Đơn cử như đối với thị trường Trung Quốc, cần sớm triển khai thực hiện các yêu cầu của phía bạn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt chú trọng đến việc mở hướng sang xuất khẩu các mặt hàng gạo chất lượng cao, gạo đặc sản thay vì gạo trắng thường như trước đây.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành lúa gạo, vì sự cạnh tranh về chất lượng gạo đang trở thành một “cuộc chiến” thật sự khi gạo của một số quốc gia khác như Cam-pu-chia, Thái-lan không ngừng gia tăng cạnh tranh đối với gạo Việt Nam cả về chất lượng, giá trị và cách thức quảng bá hình ảnh... Chính vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng, thúc đẩy xúc tiến thương mại gạo tại các thị trường thì công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh cho gạo Việt Nam cũng không kém phần quan trọng, các doanh nghiệp, cơ quan chức năng phải hết sức chú trọng và tiến hành bài bản. Khi đã xây dựng được hình ảnh hạt gạo với chất lượng cao, giá cạnh tranh... thì việc xuất khẩu sang những thị trường khó tính chắc chắn sẽ rộng mở hơn, tạo ra thêm nhiều thị trường mới để ổn định khối lượng và giá trị kim ngạch.