Những con số biết nói

Sách trắng doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2019 vừa chính thức ra mắt. Ðây là ấn bản đầu tiên trong bộ Sách trắng DN Việt Nam sẽ được công bố định kỳ hằng năm, do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) biên soạn với sự chia sẻ dữ liệu của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). Nội dung Sách trắng DN Việt Nam gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển DN cả nước và các địa phương, cung cấp thông tin toàn cảnh về thực trạng phát triển DN theo ngành kinh tế và theo loại hình DN.

Theo số liệu được công bố trong Sách trắng DN Việt Nam 2019, tính đến ngày 31-12-2018, cả nước có 714.800 DN với mật độ bình quân 14 DN/1.000 dân. Còn tính đến ngày 31-12-2017, cả nước có 560.400 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 14,5 triệu lao động. Mỗi năm lại có thêm hơn 100 nghìn DN thành lập mới, bổ sung hơn 1,2 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế. Cùng với sự tăng trưởng mạnh về số lượng, khu vực DN ngoài nhà nước đang dẫn đầu về giải quyết việc làm, tốc độ cải thiện thu nhập cho người lao động, tổng doanh thu thuần; đứng thứ hai về tổng lợi nhuận trước thuế... Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khu vực DN này chưa tương xứng, khi hiệu suất sinh lời trên tài sản (ROA) và hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đều ở mức thấp nhất so với khu vực DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Phải chăng khu vực DN ngoài nhà nước chưa thật sự được bình đẳng với các loại hình DN khác hay năng lực của DN ngoài nhà nước còn quá nhiều hạn chế, cho nên hiệu quả hoạt động chưa như kỳ vọng? Trên bản đồ DN cả nước, dẫn đầu về mức độ phát triển DN là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, nhóm cuối chủ yếu là các tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng về tốc độ tăng DN, TP Hồ Chí Minh chỉ xếp thứ 18, Hà Nội xếp thứ 41. Trong khi đó, địa phương còn nhiều khó khăn như Sóc Trăng, tuy đứng thứ 47 về số lượng DN nhưng lại có tốc độ tăng DN đứng thứ hai cả nước; Bạc Liêu đứng thứ 53 về số lượng DN nhưng đứng thứ bảy về tốc độ tăng DN. Thực tế, công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các địa phương có tiếng nói quan trọng để phát triển DN, góp phần giữ nhịp độ tăng DN chung của cả nước.

Ngoài những số liệu minh bạch về DN, Sách trắng DN còn đưa ra bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN của toàn quốc cũng như địa phương năm 2018 và giai đoạn 2016-2018, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển DN trong thời gian tới. Ðó là tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để cắt giảm chi phí cho DN, đẩy mạnh chống tham nhũng, hành vi nhũng nhiễu, nâng cao sức cạnh tranh của DN; tăng cường thực thi thể chế, pháp luật; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, làm tiền đề cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn; nhanh chóng triển khai Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa… Về phía DN, vấn đề cốt lõi là phải tăng cường năng lực tài chính, nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo; chú trọng đổi mới quản trị DN; thay đổi chiến lược kinh doanh linh hoạt để phù hợp xu thế phát triển dựa trên nền tảng công nghệ số, công nghệ tiên tiến… Ðây được coi là bộ cơ sở dữ liệu chính xác, cập nhật kịp thời và nhất quán về tình hình DN, là những con số biết nói giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin trong hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển bền vững và hiệu quả DN. Ðồng thời cũng là nguồn thông tin đáng tin cậy, hữu ích cho các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư và các quốc gia làm cơ sở đánh giá và đưa ra các quyết định hợp tác đầu tư.