Nhân lên nhiều hoạt động nghĩa tình

Mỗi dịp Trung thu, khắp nơi trên cả nước lại tràn ngập không khí rộn ràng, tươi vui, chuẩn bị một cái Tết ý nghĩa cho thiếu nhi. Tại các điểm di tích, bảo tàng, điểm vui chơi, khu dân cư… nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian hấp dẫn được tổ chức chu đáo; thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của cộng đồng, xã hội đối với công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Là ngày Tết dành riêng cho các em nên dù ở đô thị, nông thôn, miền núi hay vùng sâu, vùng xa, từ những trẻ em bình thường đến các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, trẻ em nghèo, khuyết tật… đều háo hức chờ đón ngày vui này. Nhiều năm qua, cũng như bao trẻ em khác, các em nhỏ tại Khoa Nhi, Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) thường xuyên được đón Tết Trung thu ý nghĩa.

Chương trình "Trung thu yêu thương 2019" do Ðoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an TP Hà Nội phối hợp nhóm thiện nguyện "Chia sẻ yêu thương", các giáo viên mầm non quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Công ty cổ phần bánh đậu xanh rồng vàng Minh Ngọc… tổ chức; mang đến niềm vui, nụ cười cho các em nhỏ, giúp các em tạm quên đi những đau đớn bệnh tật, để sống hồn nhiên, trong sáng. Những chiếc bánh, đèn ông sao, câu chuyện từ chú Cuội, chị Hằng… không chỉ mang lại cho các em niềm vui mà còn tiếp thêm nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Ðoàn thiện nguyện chương trình "Trung thu yêu thương 2019" cũng mang đến các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian, nhiều phần quà ý nghĩa cho các em nhỏ tại chùa Thịnh Ðại (Hà Nam), nơi đang nuôi dưỡng hơn 30 em có hoàn cảnh đặc biệt, không nơi nương tựa, mồ côi, bị bỏ rơi…

Tại TP Hồ Chí Minh, các ban, ngành cũng phối hợp tổ chức chương trình "Gắn kết yêu thương năm 2019" chăm lo cho trẻ mồ côi, khuyết tật tại các mái ấm, địa chỉ từ thiện trên địa bàn. Các em nhỏ được vui chơi, tham gia hoạt động trang trí mâm cỗ, phá cỗ, các trò chơi dân gian, xem biểu diễn múa lân và được trao tặng học bổng cùng nhiều phần quà, đồ dùng thiết yếu trong cuộc sống…

Và lần đầu tiên, tại xã biên giới đặc biệt khó khăn Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An), nơi có đến 95% đồng bào dân tộc thiểu số, 45% hộ nghèo, năm nay, chương trình "Vầng trăng yêu thương" đã mang đến niềm vui cho 650 em học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Trung thu này các em mới biết đến đèn ông sao, bánh nướng, bánh dẻo… trong niềm hạnh phúc thơ ngây ngập tràn. Sự chung tay, góp sức của các tổ chức, đoàn thể và các nhà hảo tâm đã mang đến một Trung thu ấm áp, là động lực để các em tiếp tục vươn lên trong cuộc sống và học tập.

Quan tâm chăm sóc, giáo dục tốt thiếu niên, nhi đồng luôn được của Ðảng và Nhà nước ta chú trọng, đặc biệt thể hiện rõ trong dịp Tết Trung thu với các hoạt động nghĩa tình, trách nhiệm cùng sự tham gia của cả xã hội. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, những năm qua việc tổ chức Trung thu đã bớt phô trương, lãng phí và mang đậm tình yêu thương, tinh thần "lá lành đùm lá rách". Cũng từ mỗi dịp Trung thu, bao thân phận, mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn ở khắp mọi miền, nơi vùng sâu, vùng xa được biết đến; tiếp tục được cộng đồng quan tâm, chăm sóc, chia sẻ…

Thiết nghĩ, từ những hoạt động thiện nguyện dịp Trung thu này, các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức, nhà hảo tâm… nên có sự phối hợp, tổ chức quy mô để các hoạt động chăm sóc trẻ em không chỉ mang tính thời vụ. Sự chung tay, góp sức sẽ tạo đà cho công tác chăm sóc trẻ em trở thành hoạt động thường xuyên, tạo sức lan tỏa, thu hút thêm nhiều người hưởng ứng và mang lại hiệu quả lâu dài.