Nhận diện và nắm bắt cơ hội

Thành phố Hà Nội vừa được UNESCO ghi danh vào mạng lưới Thành phố sáng tạo thế giới trong lĩnh vực thiết kế. Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO vinh danh những đô thị lấy nguồn lực văn hóa, sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển đô thị bền vững. Có bảy lĩnh vực sáng tạo được UNESCO lựa chọn gồm: Thủ công - nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông nghe nhìn, điện ảnh, thiết kế sáng tạo, ẩm thực, văn học, âm nhạc. Ðến nay, có 246 thành phố được công nhận là Thành phố sáng tạo. Việc gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo mở ra những cơ hội hợp tác với những thành phố năng động trên thế giới, cơ hội quảng bá thương hiệu, tạo động lực để Hà Nội sử dụng nguồn lực văn hóa phát triển kinh tế - xã hội, phát tr

Ngay từ khi tiếp cận với các tiêu chí công nhận Thành phố sáng tạo của UNESCO, các chuyên gia nhận ra, trên thực tế, Hà Nội đã là một Thành phố sáng tạo, đáp ứng đủ điều kiện của những tiêu chí này. Ðiều tương tự cũng xảy ra khi các chuyên gia của UNESCO được TP Hà Nội mời tham vấn tiếp cận với văn hóa Hà Nội. Chẳng hạn, Hà Nội có hàng loạt làng nghề truyền thống, như gốm Bát Tràng, tò he Phượng Dực… Nghệ nhân của những làng nghề này vừa bảo tồn, vừa có những sáng tạo trên nền tảng truyền thống. Ðó là phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm - khi người dân có không gian để sáng tạo văn hóa. Ðó là khoảng 70 không gian sáng tạo văn hóa do cộng đồng phát triển như: X98 (phố Hoàng Cầu), Hanoi Rock City (phố Tô Ngọc Vân), The Vuon (phố Giảng Võ), Vụn Art (Vạn Phúc, quận Hà Ðông), Hanoi Creative City (phố Lương Yên)… Về chính sách, Chiến lược Quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 xác định Hà Nội là một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước. Tiếp đó, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 112/KH-UBND ngày 29-5-2017 thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Một cách tình cờ, những chính sách phát triển này lại phù hợp với việc xây dựng Thành phố sáng tạo. Bởi vậy, việc Hà Nội được UNESCO ghi danh là Thành phố sáng tạo là điều được dự báo trước.

Hà Nội là thành phố có bề dày văn hóa. Truyền thống ấy đang được phát huy. Nhưng Hà Nội lại đang đối mặt với những vấn đề nan giải như dân số tăng nhanh, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Sử dụng nguồn lực văn hóa như phát huy giá trị làng nghề, các hoạt động công nghiệp văn hóa…, để phát triển kinh tế - xã hội vừa phù hợp với tiềm năng, xu thế của thế giới, lại vừa hạn chế sự phát sinh thêm những vấn nạn của đô thị, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường. Cùng với việc được UNESCO ghi danh là Thành phố sáng tạo, nếu Hà Nội tiếp tục được đầu tư, phát triển đúng hướng, sẽ tạo ra những cơ hội phát triển rất lớn. Hà Nội có thể có bước đột phá trong thu hút khách du lịch, phát triển mạnh các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời có điều kiện phát triển thành trung tâm sáng tạo của khu vực, thu hút nhân tài trong nước và quốc tế…

Thành phố sáng tạo là một khái niệm mới mẻ ở Việt Nam. Song, mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO đã ra đời cách đây 15 năm. Chúng ta tiếp cận với danh hiệu này khá muộn. Giả sử, nếu Hà Nội tiếp cận mạng lưới này sớm hơn, có thể, chúng ta đã được ghi danh từ lâu; qua đó, giúp Thủ đô của chúng ta tận dụng tốt những cơ hội khi được công nhận là Thành phố sáng tạo. Câu chuyện này cho thấy, ngay lúc này, có thể ngoài Hà Nội còn có những địa phương khác đáp ứng được những tiêu chí công nhận Thành phố sáng tạo mà chúng ta chưa nhận ra. Vấn đề chính là nhận diện và nắm bắt cơ hội trong hợp tác quốc tế, để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.