Nhà văn đồng hành cùng dân tộc

Những ngày qua, đại hội cơ sở của Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra sôi nổi tại nhiều tỉnh, thành phố thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều văn nghệ sĩ và công chúng yêu văn học trong cả nước. Ðây là bước chuẩn bị quan trọng cho Ðại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 10 dự kiến diễn ra vào tháng 11-2020.

Đại hội Liên Chi hội Nhà văn các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: HỮU VIỆT.
Đại hội Liên Chi hội Nhà văn các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: HỮU VIỆT.

Có thể nói, đại hội là dịp để các nhà văn cùng ngồi lại, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về các hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như trách nhiệm mỗi cá nhân, trên cơ sở đó cùng bàn bạc, thảo luận, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Ðể phát huy hiệu quả hoạt động của các chi hội, liên chi hội nhà văn từ trung ương đến địa phương thì bên cạnh vai trò chỉ đạo, điều hành của Ban Chấp hành Hội Nhà văn, Ban Chấp hành các chi hội, liên chi hội tại địa phương còn đòi hỏi sự tham gia, đóng góp tích cực của các nhà văn với tư cách là hội viên. Do đó, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại các đại hội cơ sở diễn ra thời gian qua là vai trò của nhà văn đóng góp cho sự phát triển của nền văn học nước nhà.

Thực tế cho thấy, các nhà văn đã nỗ lực bám sát đời sống, đi vào những vấn đề trung tâm của đất nước, có nhiều đổi mới về tư duy văn học, đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác,... Ðời sống văn học ngày càng trở nên năng động hơn, phần nào đã đáp ứng được yêu cầu của đời sống. Tự do sáng tạo của nhà văn được tôn trọng. Tuy nhiên một số tác phẩm vẫn thiếu những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, có sức khái quát cao về hai cuộc chiến tranh vĩ đại và công cuộc đổi mới. Vẫn còn nhiều tác phẩm chất lượng chỉ đạt mức trung bình, nội dung tản mạn, tính chuyên nghiệp chưa cao, việc tiếp thu các trào lưu nghệ thuật của thế giới còn thiếu tính chọn lọc… Cá biệt trong một số tác phẩm đã xuất hiện những quan điểm sai trái, lệch lạc, xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới,… tác động tiêu cực đến đời sống văn học nước nhà, gây bức xúc dư luận. Với mục tiêu “đồng hành cùng dân tộc, phấn đấu để có nhiều tác phẩm có giá trị cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới”, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ, bày tỏ trách nhiệm của bản thân cũng như đề xuất ý kiến góp phần đưa các hoạt động văn học lên tầm cao mới theo hướng chuyên nghiệp hóa, phấn đấu có nhiều tác phẩm kết tinh tài năng tâm huyết của nhà văn, xây dựng được những hình tượng nghệ thuật có sức khái quát cao, có sức cảm hóa, chinh phục độc giả.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, đòi hỏi từng nhà văn phải phát huy tài năng, tâm huyết, không ngừng nỗ lực học hỏi, tìm tòi, đổi mới sáng tạo, nâng cao toàn diện các hoạt động sáng tác, lý luận phê bình, văn học dịch, chú trọng hơn nữa về chất lượng, tiếp tục nâng cao nhận thức tư tưởng theo kịp với những nhiệm vụ, yêu cầu mới của xã hội... Trên cơ sở đó, đóng góp thêm nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe hơn của công chúng. Và như khẳng định của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tiêu chí “nhà văn Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” phải là một khuynh hướng bất di bất dịch; đúng như tôn chỉ của Hội Nhà văn Việt Nam đặt ra đó là “Vì Tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội”. Ðây chính là cách thiết thực nhất để văn học xác lập chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả, trở thành động lực tinh thần của toàn xã hội, đóng góp một phần quan trọng trong sự phát triển của đất nước.