Nguy cơ “đại trà hóa” Di tích quốc gia đặc biệt

Vào những ngày cuối cùng của năm 2019, có thêm bảy di tích được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, không khí đón nhận danh sách Di tích quốc gia đặc biệt được công bố đã bớt hào hứng đi rất nhiều. Kể từ năm 2009 đến nay, đều đặn mỗi năm một lần Chính phủ công nhận thêm các di tích quốc gia đặc biệt.

Tổng cộng có 114 di tích được công nhận danh hiệu này. Trong số đó, nhóm di tích kiến trúc, nghệ thuật; di tích lịch sử, nghệ thuật và di tích lịch sử chiếm đến 80%. Ðiều này là dễ hiểu, bởi nước ta có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, có hệ thống di tích, di sản đồ sộ. Tuy nhiên, nếu những năm đầu, mỗi đợt công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đều được dư luận, truyền thông quan tâm, thì vài năm gần đây, sự quan tâm này cũng nhạt dần.

Di tích quốc gia đặc biệt có thể là một công trình xây dựng; công trình hay quần thể kiến trúc, nghệ thuật hoặc tổng thể kiến trúc đô thị, địa điểm cư trú; địa điểm khảo cổ; cảnh quan thiên nhiên.

Nếu là công trình xây dựng, thì phải gắn với sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc. Ðiển hình là Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Chiến trường Ðiện Biên Phủ, Khu lưu niệm Nguyễn Du… Nếu là di tích công trình, quần thể kiến trúc thì phải có giá trị đặc biệt đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam, thí dụ như: Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Tương tự, những địa điểm khảo cổ, cảnh quan thiên nhiên phải có giá trị nổi bật tại Việt Nam và trên thế giới.

Sở dĩ sự quan tâm đến những Di tích quốc gia đặc biệt có xu hướng nhạt dần bởi sự "đại trà hóa". Trước hết, tiêu chí công nhận Di tích quốc gia đặc biệt còn nặng về định tính, mang tính khái quát cao. Ðiều này khiến nhiều di tích có thể "áp" vào tiêu chí, cộng hưởng với tâm lý "thích danh hiệu". Trước đây, từng có cuộc chạy đua danh hiệu Di tích quốc gia giữa các địa phương. Bây giờ, câu chuyện Di tích quốc gia đặc biệt cũng đang có một cuộc chạy đua ngầm, địa phương nào cũng muốn khẳng định bề dày lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch. Tiếp đó, là cách thức lựa chọn "giá trị đặc biệt". Thí dụ về công trình kiến trúc, quần thể kiến trúc. Chẳng hạn, thời Lê Trung hưng có nhiều kiến trúc đình làng nổi bật. Trong số này, không ít ngôi đình có kiến trúc, trang trí chung phong cách, nhưng khác về mặt chi tiết điêu khắc. Vậy ta nên chọn ra một số di tích giá trị nhất để công nhận giá trị tiêu biểu cho kiến trúc giai đoạn này, hay công nhận tất cả các ngôi đình tương tự nhau? Thực tế, dường như chúng ta đang đi theo cách thứ hai. Và thế là xuất hiện tình trạng "di tích này được công nhận, thì di tích kia chẳng lẽ lại không?!".

Rõ ràng, đã đến lúc phải cụ thể hóa hơn nữa tiêu chí Di tích quốc gia đặc biệt. Ðể tránh sự "đại trà hóa", chúng ta cần cân nhắc có nên nới rộng khung thời gian xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt lên 3 năm, hay 5 năm/lần? Bởi với cách làm mỗi năm công nhận một lần, số lượng Di tích quốc gia đặc biệt chẳng mấy chốc sẽ kéo dài đến con số vài trăm, thậm chí hơn thế nữa.

Di tích quốc gia đặc biệt là những đại diện tiêu biểu cho lịch sử, văn hóa nước nhà. Nếu tiếp tục "đại trà hóa", vô hình trung chúng ta đang hạ thấp giá trị của đại diện tiêu biểu ấy. Danh hiệu chỉ có giá trị, khi được trao cho những đối tượng xứng đáng.