Nghịch lý trong công tác xử lý nước thải

Năm 2019 đánh dấu nhiều nỗ lực của TP Hà Nội trong việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Tô Lịch - con sông gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô. Nhiều giải pháp được đề ra, như phun chế phẩm sinh học redoxy-3C, trồng cây thủy sinh, thau nước sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng… Tuy nhiên, cho dù áp dụng tất cả các biện pháp nêu trên cũng chỉ là giải pháp “cắt ngọn”. Gốc rễ của vấn đề là sông Tô Lịch, cũng như các sông Kim Ngưu, Sét, Lừ… đang thực hiện chức năng là sông dẫn nước thải của Hà Nội. Riêng sông Tô Lịch, mỗi ngày hứng khoảng 150 nghìn m3 nước thải đô thị. Các con sông đáng ra phải trở thành điểm nhấn cảnh quan, nhưng giờ đây, do dòng nướ

Nghịch lý ở chỗ, trong khi các con sông nêu trên đều bị ô nhiễm như vậy, thì không ít máy xử lý nước thải đang trong tình cảnh... chưa hoạt động hết công suất thiết kế. Các nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây, Bắc Thăng Long - Vân Trì… đều ở trong tình trạng này. Lý do là nhà máy đã xây xong, nhưng hệ thống cống thu gom nước thải dẫn về các nhà máy chưa hoàn thiện. Thậm chí, nhiều nhà máy nước thải lại đang xử lý cả… nước mưa. Nguyên nhân bởi nước mưa, nước thải đều đổ chung vào hệ thống đường ống dẫn về nhà máy.

Hiện nay, chưa tính đến nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề… tổng lượng nước thải đô thị của Hà Nội là 900 nghìn m3/ngày đêm. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch đến năm 2020 là 986.300 m3/ngày đêm. Về lý thuyết, những nhà máy này có thể đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải trên địa bàn. Song, điều đó chỉ diễn ra nếu các nhà máy được xây dựng đúng tiến độ và có hệ thống thu gom nước thải đấu nối đồng bộ vào các nhà máy xử lý.

Rõ ràng, các nhà máy xử lý nước thải chỉ phát huy tối đa khả năng nếu có hệ thống thu gom nước thải đồng bộ và riêng biệt với hệ thống thu gom xử lý nước mưa. Xin-ga-po đã làm điều này từ lâu và bài bản. Các nước tiên tiến trên thế giới đều xây dựng hệ thống cống thoát nước mưa và gom nước thải riêng biệt; vừa giảm ô nhiễm, vừa không gây quá tải cho các nhà máy xử lý nước thải. Từ năm 1998 đến nay, Hà Nội đã đầu tư kinh phí lớn vào việc xây dựng hệ thống thoát nước, giúp giảm tình trạng ngập úng khi xảy ra mưa to tại các quận nội thành trong lưu vực sông Tô Lịch. Nhưng thành phố vẫn chưa tính đến việc xây dựng triệt để hệ thống thoát nước mưa và gom nước thải riêng biệt. Bây giờ, việc “đào lên xây lại hệ thống cống” ở các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân… là gần như không thể vì quá tốn kém. Trong thời gian tới, khu vực này vẫn phải chấp nhận tình trạng nước mưa, nước thải chảy chung. Mãi đến thời gian gần đây, khi xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, thành phố mới tính đến việc xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng.

Việc xử lý nước thải đô thị tại Hà Nội là câu chuyện dài. Một phần do lịch sử để lại, một phần do thiếu đồng bộ trong quy hoạch và xây dựng; vừa lãng phí, vừa không xử lý được tận gốc tình trạng ô nhiễm.

Tuy nhiên, chúng ta có thể rút ra bài học về xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại những khu dân cư, khu đô thị mới, hay ở những địa bàn chuyển từ huyện lên quận. Tại những khu vực này nhất thiết phải xây dựng hệ thống gom nước thải, thoát nước mưa riêng, sẵn sàng đấu nối với hệ thống chung của thành phố. Đồng thời, triển khai đồng bộ giữa xây dựng nhà máy với hệ thống đường cống. Bài học này không chỉ nên áp dụng cho riêng Hà Nội, mà cả các địa phương khác. Nếu không, các đô thị sẽ lại rơi vào tình trạng nan giải như công tác xử lý nước thải ở Hà Nội hiện nay.