Nghĩ từ Ngày cà-phê Việt Nam

Ngày này, cách đây 58 năm (10-12-1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nông trường cà-phê Ðông Hiếu tại huyện Nghĩa Ðàn, tỉnh Nghệ An. Những cuộc nói chuyện ân cần của Bác Hồ với cán bộ, công nhân viên ngay trên cánh đồng và sự chỉ đạo nhìn xa, trông rộng, thiết thực, sự động viên, cổ vũ của Người tại hội nghị đã làm bừng dậy ý chí vươn lên làm giàu của lực lượng chủ công trong ngành cà-phê Việt Nam hồi đó.

Cách đây 58 năm, Bác Hồ đã dự báo về vị thế cao của ngành cà-phê Việt Nam trên thế giới và khẳng định phải học tập nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật để sản xuất ngày càng nhiều cà-phê xuất khẩu làm giàu cho Tổ quốc.

Thấm nhuần và tổ chức thực hiện tích cực, sáng tạo ý tưởng chiến lược của Bác Hồ về phát triển ngành cà-phê, suốt mấy chục năm qua, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ hai thế giới về trồng trọt, xuất khẩu mặt hàng này. Chính vì vậy, Chính phủ đã quyết định chọn ngày 10-12 hằng năm là Ngày cà-phê Việt Nam (được tổ chức lần thứ nhất tại TP Ðà Lạt, Lâm Ðồng năm 2017).

Năm nay, Ngày cà-phê Việt Nam lần thứ ba được tổ chức tại TP Pleiku (Gia Lai) trong ba ngày, từ ngày 8 đến ngày 10-12-2019, với sự tham dự của các doanh nghiệp sản xuất cà-phê chất lượng cao đến từ các vùng trồng cà-phê nổi tiếng: Lâm Ðồng, Ðắk Lắk, Ðắk Nông, Kon Tum, Bình Phước…; đại diện tổ chức cà-phê quốc tế, hiệp hội, Liên đoàn cà-phê và doanh nghiệp đến từ: Trung Quốc, Bra-xin, các nước ASEAN… và các đại sứ, tham tán thương mại nước ngoài tại Việt Nam. Chương trình Ngày cà-phê Việt Nam lần thứ ba có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, thiết thực: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm cà-phê chất lượng cao, trình diễn pha chế cà-phê, tham quan vườn cà-phê và nhà máy chế biến cà-phê…

Cà-phê được trồng, phát triển tốt trên nhiều miền đất nước, lớn nhất là Tây Nguyên, tiếp đến là Tây Bắc, miền trung, Ðông Nam Bộ… Với tổng diện tích trồng cà-phê của cả nước khoảng 664 nghìn ha, xuất khẩu sang 80 nước và vùng lãnh thổ, chiếm 14% thị phần và 10,4% giá trị cà-phê nhân xuất khẩu toàn cầu, nước ta chỉ đứng sau Bra-xin về mặt hàng này. Cà-phê Việt Nam đã phục vụ tốt tiêu dùng trong nước, đồng thời xuất khẩu đem về hơn ba tỷ USD/năm. Năm nay, tuy có giảm về xuất khẩu do kinh tế thế giới khó khăn, nhưng đó chỉ là sự chững lại tạm thời trong xu thế tăng trưởng tất yếu. Tuy nhiên, điều bất cập không nhỏ là cà-phê nước ta mới có 7% được chế biến sâu, còn 93% là xuất khẩu cà-phê nhân. Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu của ta bán hàng qua 26 đầu mối và doanh nghiệp nước ngoài, chưa tiếp cận được với các hãng rang, xay, chế biến cà-phê thế giới. Bởi vậy, cả người trồng và các nhà sản xuất, xuất khẩu cà-phê nước ta còn phải chịu nhiều thiệt thòi, bị động.

Tin rằng, với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, Ngày cà-phê Việt Nam sẽ góp phần đẩy mạnh việc chuyển hóa nhanh sự tương quan bất hợp lý giữa số lượng với chất lượng, giá cả và kim ngạch xuất khẩu. Ðây cũng là thời cơ cho toàn ngành tiếp tục quảng bá thương hiệu, sản phẩm, giới thiệu hình ảnh cà-phê đến bạn bè trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển mạnh sang thời kỳ tập trung vào khâu rang, xay, chế biến cà-phê hòa tan và các sản phẩm nhiều giá trị gia tăng khác để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 5 đến 6 tỷ USD vào năm 2030.