Ngăn chặn lái xe sử dụng chất kích thích

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) sáu tháng đầu năm diễn ra chiều 22-7, theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, sáu tháng đầu năm, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm sâu ở cả ba tiêu chí trong nhiều năm trở lại đây.

Theo đó, cả nước xảy ra 8.385 vụ TNGT (giảm 641 vụ, tương đương hơn 7%), làm chết 3.810 người (giảm 311 người, hơn 7,5%), bị thương 6.358 người (giảm 679 người, hơn 9,6%) so cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn xảy ra 19 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm 73 người chết, 87 người bị thương, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong số đó, có hàng loạt vụ xảy ra do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích.

Tính trong sáu tháng đầu năm nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý hơn 78 nghìn trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, 239 trường hợp lái xe dương tính với ma túy. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát hiện các hành vi và xử lý vi phạm nồng độ cồn còn rất hạn chế. Theo thống kê, năm 2018, cả nước đã tiêu thụ hơn 4,6 tỷ lít bia, tăng hơn 600 triệu lít so năm 2017, trung bình mỗi người trưởng thành sử dụng tới 45 đến 46 lít bia/năm. Tỷ lệ người tham gia giao thông sử dụng rượu bia khá phổ biến, nhưng kết quả xử lý thấp dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.

Ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu bia, chất kích thích, ma túy đối với việc bảo đảm trật tự ATGT là quá rõ ràng. Tuy nhiên, việc ngăn chặn những vi phạm này lại đang là bài toán khó, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự phối hợp đồng bộ. Thời gian qua, nhiều chính sách phòng chống việc uống rượu bia đối với lái xe đã không được thực hiện triệt để do liên quan đông đảo người dân nên dễ động chạm, bị phản ứng.

Các đối tượng sử dụng rượu bia thường thiếu kiềm chế, có hành vi chống đối người thi hành công vụ, một số lái xe dương tính với ma túy có thủ đoạn gian lận, đánh tráo mẫu xét nghiệm để né tránh xử lý. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn vấp phải một số khó khăn do thiếu trang thiết bị xét nghiệm, hóa chất,… Nhiều nước xử lý vi phạm nồng độ cồn đã kết hợp rất hiệu quả giữa công cụ về hình sự, kể cả khi chưa gây hậu quả (phạt tù), cùng với biện pháp hành chính, kinh tế (phạt tiền) và giáo dục (lao động công ích, học lại - thi lại bằng lái).

Trong khi ở nước ta, cơ quan quản lý mới tập trung vào biện pháp hành chính, chỉ xử lý hình sự khi gây hậu quả cho nên tác dụng giáo dục chưa cao. Nhiều chế tài xử phạt gần đây đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng nặng, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe người vi phạm. Cần quản lý được tình trạng tái phạm và xử phạt lũy tiến khi tái phạm, có biện pháp cưỡng chế thực thi nếu cần thiết. Lực lượng cảnh sát giao thông cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không nể nang hoặc “tham nhũng vặt”, bỏ qua hành vi sai phạm. Các cơ quan chức năng cũng cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, có cơ chế sử dụng dữ liệu dùng chung trong giám sát người vi phạm.

Hạn chế TNGT do sử dụng rượu bia là vấn đề của toàn xã hội. Mỗi cá nhân, gia đình, địa phương và cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, giáo dục quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Song yếu tố cốt lõi, quan trọng hàng đầu vẫn là ý thức của người tham gia giao thông, nếu không nhận thức rõ hậu quả, không tự chủ bản thân, dù các cơ quan có vào cuộc quyết liệt đến đâu, hiệu quả đem lại cũng không đáng kể.