Ngăn chặn cháy, nổ trong chính gia đình mình

Cách đây ít ngày, vào sáng sớm, tại ngôi nhà số 22, hẻm 143/202/2 đường Nguyễn Chính, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội), đã xảy ra vụ cháy nghiêm trọng. Ngọn lửa bùng phát từ tầng một ngôi nhà. Lúc này, phía trong có ba bà cháu kêu cứu và tìm cách thoát nạn. Toàn bộ ngôi nhà được quây kín bằng tôn, cửa bị khóa, cho nên việc cứu người bị nạn vô cùng khó khăn.

Một số người dân chung quanh dùng búa phá cửa nhưng không thành. Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên, dù khống chế được đám cháy, nhưng khi các nạn nhân được đưa ra ngoài, cả ba bà cháu đều đã chết. Trước đó, đầu tháng 9 vừa qua, vụ cháy xảy ra tại xã Thanh An, huyện Thanh Hà (Hải Dương), khiến hai mẹ con chết do bị mắc kẹt trong nhà, khiến nhiều người thương tâm. Những vụ việc nêu trên chỉ là số lẻ trong vô số những vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình trong thời gian vừa qua. Hậu quả mà những vụ cháy để lại không chỉ là tính mạng, tài sản có thể nhìn thấy hiển hiện ngay trước mắt, mà khủng khiếp hơn là những nỗi đau dai dẳng về mặt tinh thần cho những người thân, khi bị mất đi người ruột thịt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của xã hội.

Có một thực tế hiện nay là, dù các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng nói rất nhiều về công tác PCCC, nhưng một bộ phận người dân vẫn chủ quan, thờ ơ, thậm chí coi thường công tác này ngay trong chính gia đình mình. Điều này có thể dễ dàng nhìn ra, khi rất nhiều hộ gia đình chưa hề có bất kỳ dụng cụ PCCC nào. Chỉ nói đơn giản như: bình cứu hỏa mi-ni, là một công cụ dễ mua, dễ sử dụng, nếu kịp thời phát hiện khi đám cháy mới bắt đầu, hoàn toàn có thể dùng để dập tắt, nhưng thứ đồ “cứu tinh” này lại ít khi thấy hiện hữu tại gia đình, nơi sinh hoạt của người dân. Hay, có trường hợp dù đã mua bình cứu hỏa mi-ni về, nhưng lại “mua cho có”, không quan tâm học cách sử dụng, hoặc không bảo quản đúng cách, dẫn đến tình trạng để lâu, bình có thể hư hỏng bộ phận chốt mở, đến khi xảy ra cháy không biết sử dụng, hoặc không thể sử dụng được. Hay như, việc lắp đặt hệ thống báo cháy, dù rất hữu ích, là cách đề phòng nhanh và hữu hiệu nhất khi bắt đầu có cháy, nhưng chẳng mấy gia đình chú ý tới, dù giá thành của những thiết bị này phù hợp túi tiền của hầu hết mọi gia đình. Bên cạnh đó, một nguyên nhân gián tiếp làm gia tăng số vụ cháy nhà dân trong thời gian qua là, tình trạng người dân dùng nhà ở kết hợp làm nơi kinh doanh. Dẫn đến việc sử dụng thiết bị điện tràn lan, hàng hóa, vật liệu che kín các ô thoáng và lối thoát hiểm. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, nhà ở kết hợp kinh doanh và sản xuất không thuộc sự quản lý, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC của lực lượng Cảnh sát PCCC.

Cháy là việc không ai mong muốn. Tuy nhiên, nếu người dân tự nâng cao ý thức, có sự chuẩn bị về tâm lý, kỹ năng, thiết bị PCCC sẽ giúp tổ ấm của chính mình hạn chế thấp nhất thiệt hại. Theo khuyến cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC, khi phát hiện cháy, việc đầu tiên cần làm là hô to cho mọi người chung quanh biết, gọi điện thoại cho lực lượng PCCC qua số 114 và nhanh chóng ngắt nguồn điện trong nhà nếu có thể. Với các vụ cháy vào ban ngày, khi phát hiện, cần dùng bình chữa cháy nhỏ dập lửa, dùng chăn, vải có kích thước lớn nhúng nước quăng vào đám cháy, sử dụng khăn, vải hoặc lột áo thấm nước chụp vào mặt trong khi chạy ra ngoài thoát nạn... Với tình huống xảy ra cháy vào ban đêm, khi mọi người đều ngủ say, lúc phát hiện thường đám cháy đã bùng phát lớn, vì vậy cần bình tĩnh, tìm lối thoát nạn để đưa mọi người thoát ra khỏi khu vực cháy.

Việc phát hiện, chữa cháy có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào lực lượng tại chỗ, mà quan trọng nhất chính là những người sinh sống trong gia đình. Nếu tất cả thành viên trong gia đình đều có ý thức, cũng như trang bị đầy đủ kiến thức PCCC, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, hoặc nếu có xảy ra cháy sẽ hoàn toàn có khả năng ngăn chặn kịp thời...