Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, cai nghiện ma túy

Hiện nay, tệ nạn ma túy ở nước ta đang có chiều hướng phức tạp, gia tăng cả về số lượng người nghiện, tỷ lệ người nghiện ở độ tuổi vị thành niên. Theo số liệu từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), tính đến hết tháng 11-2019, cả nước có hơn 235 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng hơn 10 nghìn người so với cùng kỳ năm 2018). Trong khi đó, tính đến hết tháng 4-2020, tổng số học viên tại 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước chỉ có chưa đến 35 nghìn người. Thực tế này cho thấy, số học viên cai nghiện là quá ít so với số người nghiện có hồ sơ quản lý, chưa kể những trường hợp nghiện ma túy chưa được phát hiện.

Ðáng lo ngại hơn, ở một số cơ sở cai nghiện công lập, đã có sự xuất hiện của những học viên ở lứa tuổi học sinh trung học cơ sở. Ði cùng với đó là tình trạng quá tải cơ sở cai nghiện công lập, đội ngũ nhân viên, bác sĩ lại quá mỏng. Ðiển hình như, vụ việc mất kiểm soát ở Trung tâm cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang vừa qua, có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ thực trạng thiếu cơ sở hạ tầng trầm trọng. Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã chia sẻ: “Công suất thiết kế chỉ đạt mức 300 đến 350 học viên, nhưng thực tế lại có hơn 600 người. Một phòng ở có đến gần 80 học viên thì cai nghiện làm sao?”.

Bên cạnh đó là những lỗ hổng trong quản lý công tác điều trị nghiện ma túy bằng thuốc thay thế; vướng mắc khi cai nghiện tại gia đình, cộng đồng… Ngoài ra, các chính sách pháp luật liên quan công tác cai nghiện ở nước ta còn chồng chéo, bất cập, chưa sát với thực tế. Ðơn cử như, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ quan chức năng phải chứng minh được tình trạng nghiện của người nghiện ma túy. Trên thực tế, chỉ cần người nghiện không hợp tác thì rõ ràng không thể xác định được “tình trạng” nghiện, nhất là đối với trường hợp nghiện các dạng ma túy tổng hợp. Trong khi đó, Luật Phòng, chống ma túy lại quy định việc tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là trách nhiệm của UBND cấp xã, nhưng thực tế hầu như không có xã, phường nào đủ nguồn nhân lực y tế bảo đảm tính chuyên môn để thực hiện, dẫn đến việc triển khai chiếu lệ, hình thức, gây lãng phí và tác dụng ngược… Ngoài ra, giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy cũng còn một số điều khoản chưa thống nhất về thẩm quyền quyết định việc cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi và người đủ 18 tuổi. Với xu hướng trẻ hóa ở người nghiện ma túy cũng như tội phạm hiện nay, đây là điểm mấu chốt khiến chính quyền nhiều địa phương cũng như các cơ quan chức năng gặp lúng túng khi thực thi nhiệm vụ.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn nêu trên, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị chức năng, nhất là lực lượng công an, biên phòng, hải quan thực hiện tốt công tác đấu tranh với các loại tội phạm buôn bán, tàng trữ, sản xuất ma túy. Ðồng thời, chỉ đạo sửa đổi, cập nhật, bổ sung kịp thời những quy định về luật pháp liên quan công tác cai nghiện và nhất là các biện pháp xử lý với khái niệm mới “người sử dụng ma túy”. Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, khắc phục kịp thời những lỗ hổng, độ vênh và bất cập của hệ thống pháp luật; đồng bộ hóa Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Luật Xử lý vi phạm hành chính gắn với việc bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp, bảo đảm nhân quyền và hiệu quả công tác phòng, chống, cai nghiện ma túy. Bên cạnh đó, cần tăng cường giải pháp phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy, nhằm bảo đảm an toàn, trật tự xã hội, đi đôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở cả gia đình, nhà trường và cộng đồng về phòng, chống ma túy ở các cấp cần được triển khai theo hướng hiện đại, thân thiện hơn với giới trẻ. Có ý kiến chuyên gia cho rằng, song song với cụ thể hóa các điều kiện cai nghiện tập trung, nên gộp hai hình thức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng để đơn giản hóa những thể chế liên quan. Trong trường hợp gia đình hoặc xã, phường, thị trấn không đủ điều kiện tổ chức cai nghiện hiệu quả, thì cấp huyện phải trực tiếp phối hợp cơ sở cai nghiện tập trung điều trị cắt cơn rồi mới đưa về địa phương quản lý, hỗ trợ thêm.

Ðồng thời, cần quan tâm, xem xét tăng nguồn kinh phí cho việc thực hiện các chương trình chiến lược có liên quan công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và công tác cai nghiện ma túy. Ðẩy mạnh bồi dưỡng năng lực, nghiệp vụ của cán bộ, y sĩ, bác sĩ cũng như đội ngũ trực tiếp thực thi nhiệm vụ ở các cơ sở cai nghiện tập trung theo hướng thực chất, cụ thể. Ngành lao động - thương binh và xã hội và ngành y tế cần có sự phối hợp hiệu quả hơn, bố trí các bác sĩ, chuyên gia y tế đến làm việc tại các cơ sở cai nghiện tập trung theo hình thức cố định thay vì luân phiên như hiện nay.