Nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi

Già hóa dân số là một xu hướng nhân khẩu học nổi bật toàn cầu trong những thập niên gần đây. Quá trình này được thúc đẩy bởi giảm sinh và cải thiện khả năng sống trong quá độ nhân khẩu học. Năm 2019, thế giới có 703 triệu người từ 65 tuổi trở lên (65+), chiếm 9% tổng số dân toàn cầu. Trước việc tỷ lệ già hóa tăng cao, tại kỳ họp lần thứ 73 (tháng 8-2020), Ðại hội đồng Y tế thế giới đã thông qua đề xuất thập niên 2020 - 2030 là thập niên già hóa khỏe mạnh. Già hóa khỏe mạnh được hiểu là "quá trình phát triển và duy trì năng lực hoạt động để có thể khỏe mạnh ở tuổi già". Ðây là cơ hội để các nước cũng như tổ chức quốc tế, nhà khoa học, chuyên môn… cùng nỗ lực hợp tác nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi (NCT).


So với khu vực và trên thế giới, tuổi thọ của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng đều trong các năm gần đây và đạt 73,6 tuổi (năm 2019). Việt Nam cũng là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa rất nhanh. Năm 2011, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ những người 65+ chiếm 7% tổng số dân (khoảng 6,2 triệu người) thì đến năm 2019, tỷ trọng của nhóm dân số cao tuổi này tăng lên 7,7% (7,4 triệu người) và dự báo sẽ tăng lên 19,5 triệu người (gần 18%) vào năm 2049. Tuy nhiên, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi khỏe mạnh của người dân Việt Nam phần lớn chỉ đạt đến 63,2. Như vậy, tỷ lệ sống chung với bệnh của NCT ở nước ta trung bình khoảng 10 năm, tương đối cao so với một số nước trong khu vực.

Nguyên nhân chính của tình trạng tuổi khỏe mạnh thấp là do NCT Việt Nam có số năm mắc bệnh ở tuổi già nhiều hơn các nước trong khu vực. Với gần 46% số NCT được chẩn đoán có bệnh cao huyết áp; 34% được chẩn đoán viêm khớp và tỷ lệ mắc các bệnh này tăng theo lứa tuổi và một số bệnh khác như tim mạch, viêm phế quản hoặc phổi mạn tính. NCT Việt Nam thường mắc các bệnh về xương khớp, huyết áp, đột quỵ, bệnh mạch vành, đái tháo đường và suy giảm trí nhớ; nhất là gánh nặng "bệnh tật kép" khi bình quân mỗi NCT có ba bệnh nền.

Việt Nam hiện đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nhưng cũng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Do vậy, cần phải có những giải pháp, chiến lược để già hóa khỏe mạnh. WHO đã chỉ rõ, để bảo đảm một quốc gia có NCT khỏe mạnh, cần tập trung nhiều giải pháp cho hệ thống y tế chăm sóc NCT; nhất là giải pháp chăm sóc sức khỏe dài hạn. Ðây chính là nền móng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân tại mỗi quốc gia. Khi đầu tư chăm sóc cho sức khỏe sớm và có lộ trình, sẽ cho một tuổi già khỏe mạnh, tránh được bệnh tật; đồng nghĩa với việc cũng giảm nhiều chi phí chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, việc khám và điều trị cho NCT thường đắt gấp tám đến 10 lần so với người trẻ (chiếm tới hơn 50%) tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Một trong 10 ưu tiên của thập niên già hóa khỏe mạnh nhằm đạt các mục tiêu chiến lược toàn cầu và Kế hoạch hành động của WHO chính là các quốc gia cần tạo được nền móng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe dài hạn. Mỗi quốc gia phát triển kinh tế - xã hội bền vững thì phải có các giải pháp cụ thể chăm lo sức khỏe, giúp NCT có một tuổi già khỏe mạnh. Ở đó, người già được chăm sóc và hỗ trợ theo nhu cầu để được hưởng các quyền con người cơ bản. WHO cũng thúc đẩy xây dựng các mô hình chăm sóc NCT dài hạn công bằng và bền vững với trọng tâm là tối ưu hóa năng lực hoạt động. Cung cấp những dịch vụ được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe hay các nhu cầu cá nhân. Các dịch vụ này giúp con người sống độc lập và an toàn khi họ không thể tự thực hiện các hoạt động hằng ngày.

Ðáng chú ý, để người già khỏe mạnh cần triển khai ngay các mô hình dịch vụ chăm sóc tại nhà, cộng đồng bao gồm phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ, hoạt động trị liệu. Cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe, tâm sinh lý ở NCT. Luyện tập dưỡng sinh phục hồi sức khỏe, hỗ trợ tập thể dục… cùng với sự quan tâm trực tiếp, sự tham gia của gia đình, cộng đồng sẽ giúp NCT có được cuộc sống tuổi già chất lượng hơn.