Lựa chọn sách giáo khoa phù hợp

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) vừa ban hành thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông, có hiệu lực từ ngày 15-3 tới. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các địa phương, các trường lựa chọn SGK chuẩn bị áp dụng chương trình mới vào dạy học bắt đầu từ lớp 1 năm học 2020 - 2021.

Theo quy định của thông tư, tiêu chí lựa chọn SGK phải phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương; phù hợp điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Đáng chú ý, mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập một hội đồng lựa chọn SGK (trường phổ thông nhiều cấp học thì mỗi cấp học thành lập một hội đồng). Quá trình lựa chọn, các tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận, đánh giá SGK, sau đó giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu SGK cho mỗi môn học để báo cáo hội đồng. Hội đồng họp thảo luận, đánh giá và bỏ phiếu kín để lựa chọn. SGK được lựa chọn phải bảo đảm hơn một phần hai số thành viên đồng ý; trong trường hợp không có đủ số phiếu theo quy định thì thảo luận và bỏ phiếu lại, nếu vẫn không đủ thì SGK nào có số phiếu cao nhất sẽ được lựa chọn. Trên cơ sở đề xuất của hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định chọn danh mục SGK để sử dụng; công bố công khai danh mục SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất bốn tháng.

Việc Bộ GD và ĐT ban hành thông tư hướng dẫn chọn SGK sẽ giúp các địa phương, cơ sở giáo dục có các căn cứ để triển khai khi chỉ còn khoảng hơn 5 tháng nữa, học sinh sẽ tựu trường năm học mới. Tuy nhiên, lựa chọn SGK nào để đưa vào dạy học vẫn còn nhiều nỗi lo. Bởi hiện nay, các nhà xuất bản có SGK được phê duyệt vẫn chủ yếu giới thiệu bản mẫu để “quảng bá sản phẩm”. Vì vậy, phần lớn các trường đều chưa có đủ các SGK để cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận, đánh giá, so sánh. Đáng chú ý, SGK cụ thể hóa chương trình giáo dục phổ thông cho nên để xác định SGK có phù hợp hay không, giáo viên cần được dạy thử trong thực tiễn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, giáo viên chỉ được đọc, thảo luận rồi đánh giá, nhận xét SGK thì sẽ rất khó để lựa chọn một cách chuẩn xác. Bộ GD và ĐT cũng quy định các tỉnh, thành phố đưa ra tiêu chí cụ thể chọn SGK, trong khi các SGK được tổ chức thẩm định theo các tiêu chí chung, không có SGK nào viết riêng cho các vùng miền là điều bất hợp lý. Đáng chú ý, dư luận lo ngại, việc giao cho các trường, địa phương tự lựa chọn SGK sẽ tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực trong quá trình lựa chọn. Nhất là tình trạng “vận động hành lang” của đơn vị có sách hoặc việc “gửi gắm”, gợi ý, định hướng của cơ quan, cán bộ quản lý... với các giáo viên, nhà trường có thể xảy ra.

Để lựa chọn SGK mới, nhất là đối với SGK lớp 1 dùng từ năm học 2020 - 2021 được minh bạch, đúng với tiêu chí, yêu cầu đề ra; Bộ GD và ĐT cần công khai hồ sơ thẩm định SGK để các trường có thêm căn cứ lựa chọn. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các nhà xuất bản thực hiện tốt các khâu lựa chọn SGK lớp 1. Đối với các cơ sở giáo dục cần công khai giải thích với phụ huynh, học sinh lý do lựa chọn từng SGK. Mặt khác, khi cơ sở giáo dục lựa chọn SGK cần có cơ chế để tăng sự giám sát của phụ huynh học sinh. Hơn nữa, để thật sự lựa chọn được SGK tốt, phù hợp nhất cho việc dạy và học còn cần đến cái tâm của mỗi cán bộ quản lý giáo dục, thầy giáo, cô giáo để có sự lựa chọn công tâm, vì học sinh; tránh bị tác động của những yếu tố tiêu cực trong quá trình lựa chọn sách.