Lan tỏa văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng

Thiết thực hướng tới Ngày Sách Việt Nam 21-4, những ngày này tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước diễn ra các hoạt động ý nghĩa nhằm lan tỏa văn hóa đọc, tôn vinh, khẳng định và phát huy giá trị của sách trong đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng một xã hội học tập.

Tại Bình Ðịnh, các hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam diễn ra dưới những hình thức đa dạng như: tôn vinh và giới thiệu điểm sáng phong trào đọc sách; tăng cường tuyên truyền, truyền thông về Ngày Sách và văn hóa đọc; tổ chức Tuần lễ Sách và văn hóa đọc; tổ chức Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam trong hệ thống trường học, hệ thống thư viện, lực lượng vũ trang. Còn tại Hà Nội, công tác thông tin, tuyên truyền về Ngày Sách Việt Nam được chú trọng. Bên cạnh đó thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả của đường sách, phố sách, từ đó tạo sự kết nối giữa hoạt động đọc sách với các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thu hút các đối tượng độc giả tham gia.

Thành phố cũng chú trọng việc tổ chức Ngày Sách tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, đồng thời tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành hoạt động của Ngày Sách Việt Nam được gắn với công tác đào tạo, sinh hoạt văn hóa của sinh viên.

Một trong những điểm nhấn của Ngày Sách Việt Nam năm nay đó là Hội Sách trực tuyến quốc gia 2021 được tiến hành trên trang Book365.vn từ ngày 17-4 đến hết ngày 15-5 do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức, Hội Xuất bản Việt Nam hỗ trợ. Tham gia hội sách trực tuyến, độc giả có cơ hội giao lưu, tọa đàm với các tác giả, học giả nổi tiếng; hội thảo theo chuyên đề; giới thiệu sách; trao đổi về văn hóa đọc; tham gia các chương trình khuyến mãi lớn và được ưu đãi về phí vận chuyển. Ðây là năm thứ hai hội sách trực tuyến được tổ chức. Có thể nói đây là sự thích ứng nhanh nhạy của ngành xuất bản trước tình hình mới. Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng, kéo theo đó không ít hoạt động bị ngưng trệ và gián đoạn. Các hội chợ sách thường niên không thể tổ chức, nhiều phố sách, đường sách dừng hoạt động. Ngày Sách Việt Nam 2020 cũng không thể thực hiện trên thực địa.

Từ thực tiễn đó, sáng kiến về hội sách triển khai trên môi trường số đã được triển khai chỉ trong thời gian ngắn và thu được kết quả khả quan: thu hút gần hai triệu lượt truy cập; tiếp nhận 11.000 đơn đặt hàng với hơn 13.000 cuốn sách được đưa tới bạn đọc, 51% bạn đọc mua sách thuộc các địa phương vùng sâu, xa; đạt doanh thu hơn một tỷ đồng. Tự tin về kết quả thu được từ năm 2020, Ban Tổ chức Hội Sách trực tuyến năm nay đặt mục tiêu thu hút ít nhất 10 triệu lượt truy cập, đưa được 30.000 cuốn đến tay bạn đọc, phục vụ hơn 60% số bạn đọc ở các địa phương ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Không chỉ là giải pháp mang tính tình thế, hoạt động của hội sách trực tuyến chào mừng Ngày Sách Việt Nam mở ra hướng đi mới cho ngành xuất bản: đó là tận dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để đưa hoạt động xuất bản đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả, giúp thu hẹp khoảng cách địa lý giữa các vùng miền, tạo cơ hội tiếp cận sách cho nhiều đối tượng.

Những nỗ lực đổi mới, thích nghi trong tình hình mới của ngành xuất bản là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên để Ngày Sách Việt Nam thật sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng chỉ làm theo phong trào, mang tính hình thức, đối phó. Tinh thần của ngày sách cần tiếp tục được lan tỏa về chiều sâu lẫn chiều rộng trong cả năm, dưới nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, thu hút sự hưởng ứng của cả cộng đồng với mục tiêu ngày càng có nhiều độc giả được tiếp cận với nội dung của các cuốn sách mới, sách quý, qua đó giúp nâng cao trình độ, tri thức của mọi người trong xã hội tri thức. Ðó mới thật sự là thành công có tính lâu dài, bền vững mà Ngày Sách Việt Nam cần hướng đến.

THÀNH NAM