Lại chuyện an toàn thực phẩm học đường

Những ngày gần đây đã ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm (NÐTP) tại trường học, khiến hàng trăm học sinh phải vào các cơ sở y tế cấp cứu và điều trị. Như vụ NÐTP xảy ra tại Trường Isaac Newton  (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến nhiều học sinh phải nhập viện với chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

Mặc dù, các em trong vụ NÐTP này  không gặp nguy hiểm tính mạng, sức khỏe đã ổn định… nhưng đã để lại nhiều lo lắng cho bậc cha, mẹ có con em mình đang học tại đây cũng như nhiều phụ huynh đang có con em theo học tại các trường ở Hà Nội và cả nước.

Theo số liệu thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), năm 2020, cả nước ghi nhận 139 vụ NÐTP với hơn 3.000 người ngộ độc, trong đó có 30 người chết. Các vụ NÐTP chủ yếu xảy ra tại các khu công nghiệp, trường học có bếp ăn tập thể, sử dụng các suất ăn sẵn. Các chuyên gia lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) cảnh báo, thời tiết ở nước ta đang chuẩn bị vào hè, không khí nóng ẩm dễ làm thực phẩm hư hỏng, ôi thiu..., nguy cơ xảy ra các vụ NÐTP rất lớn, nhất là tại các bếp ăn tập thể. Nguyên nhân khác dẫn đến các vụ NÐTP là do nguyên liệu và sản phẩm có chứa độc tố; do quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm không bảo đảm; do các chất phụ gia… Ðáng lo ngại, đối với các em học sinh, nhất là lứa tuổi mẫu giáo có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, cho nên dễ bị ngộ độc nếu thức ăn không bảo đảm yêu cầu ATTP. Trẻ trong độ tuổi này bị ngộ độc không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà có thể nguy hiểm đến tính mạng…

Phòng, chống NÐTP trong các trường học cần được ưu tiên hơn nữa. Trước hết, chính các trường học chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm ATTP; khi phát hiện có sự cố về ATTP cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng tại địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Các trường cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về bảo đảm ATTP tại bếp ăn có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Chấm dứt ngay hợp đồng, tuyệt đối không để các đơn vị cung cấp thực phẩm, chế biến suất ăn sẵn không chấp hành đầy đủ các quy định khi được cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các cơ sở giáo dục, các trường học bán trú.

Niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết bảo đảm ATTP; đồng thời phân công cán bộ, nhân viên theo dõi hằng ngày việc tiếp nhận thực phẩm. Thực hiện ký giao nhận và kiểm tra thực phẩm theo ba bước (trước khi chế biến thức ăn, trong quá trình chế biến và trước khi ăn). Bên cạnh đó, hội cha mẹ học sinh phối hợp chặt chẽ với ban giám hiệu nhà trường tham gia trực tiếp vào việc giám sát nguồn gốc, vệ sinh thực phẩm. Thường xuyên vệ sinh môi trường trường học, nhất là các công trình cấp nước, công trình vệ sinh; hướng dẫn trẻ, học sinh và cán bộ chế biến thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh cơ sở chế biến, sử dụng phụ gia thực phẩm, kiểm soát nguồn nguyên liệu an toàn…

Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, nhất là ngành y tế tăng cường hỗ trợ các trường học trong kiểm soát nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, quy trình bảo quản thực phẩm theo quy định. Phối hợp các nhà trường tổ chức tập huấn kiến thức, khám sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; đưa nội dung vệ sinh ATTP vào chương trình giáo dục tại các cấp học. Thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về vệ sinh ATTP, biểu dương kịp thời các gương tốt và xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh ATTP theo thẩm quyền; công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, để cảnh báo cho các bậc phụ huynh và cộng đồng.

Công tác bảo đảm ATTP nói chung, phòng, chống NÐTP trong các trường học nói riêng, không chỉ là câu chuyện “nội bộ” của ngành giáo dục và ngành y tế, mà cần có sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự quan tâm của toàn xã hội, nhất là ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Sự kết hợp này được coi là những yếu tố quyết định giúp giảm, ngăn chặn hiệu quả các vụ NÐTP ở trường học hiện nay.