Kiểm soát chặt quảng cáo trực tuyến

Sự gia tăng không ngừng người sử dụng qua từng năm khiến mạng xã hội nhanh chóng trở thành mảnh đất màu mỡ cho không ít cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh.

Theo tính toán của các chuyên gia, dự kiến đến năm 2022 doanh thu từ quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam có thể đạt mức xấp xỉ 400 triệu USD (năm 2019 là 284 triệu USD). Ðiều này giúp lý giải về sự bùng nổ của "thị trường quảng cáo" trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube,... Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thành quả tích cực nội dung các quảng cáo trực tuyến hiện nay cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí gây nguy hại cho cộng đồng.

Không chỉ là sự phiền toái khi lên mạng xã hội người dùng bắt gặp quá nhiều quảng cáo, mà nhiều nội dung quảng cáo trực tuyến hiện nay có dấu hiệu tiếp tay cho việc tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Thời gian qua, tại nhiều diễn đàn, cộng đồng mạng đã bày tỏ sự bức xúc trước sự xuất hiện tràn lan các loại quảng cáo thuốc đông y, thuốc nam gia truyền, với mô-típ thường thấy là "thuốc gia truyền ba đời", "ba đời chữa khỏi", "không khỏi không lấy tiền",... Cùng với đó là các danh xưng "thần y" chữa bách bệnh xuất hiện nhan nhản trong nhiều quảng cáo bán thuốc, chữa bệnh không phép. Trắng trợn hơn, nhiều quảng cáo đã ngang nhiên gắn hình ảnh các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia, nghệ sĩ, cắt ghép các bài báo, gắn lô-gô các cơ quan truyền thông lớn... vào clíp giới thiệu sản phẩm như là một bảo chứng về chất lượng và uy tín. Các quảng cáo này phủ sóng trên nhiều trang mạng xã hội, khiến không ít người đã nhẹ dạ tin theo, tiêu tốn nhiều tiền để mua hàng. Hậu quả là tiền mất, tật mang, có người đã phải vào viện cấp cứu, thậm chí có người đã chết do dùng thuốc mua qua mạng. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm phát triển y học cổ truyền tổ chức cuối tháng 1 vừa qua ở TP Hồ Chí Minh, Cục trưởng Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) Nguyễn Thế Thịnh đưa ra một con số rất đáng suy ngẫm: Chỉ có 30 trong số 1.548 cơ sở y học cổ truyền tư nhân tại TP Hồ Chí Minh được thanh, kiểm tra. Ðây là con số quá thấp trong khi thực tế tình trạng quảng cáo thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội.

Không chỉ nổi cộm trong lĩnh vực thuốc y học cổ truyền, thực tế những quảng cáo trực tuyến hiện nay có sự góp mặt của nhiều lĩnh vực, ngành nghề như hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, thẩm mỹ viện,... Do nguồn lợi quá lớn nên không ít cá nhân, đơn vị tận dụng quảng cáo trực tuyến mọi lúc mọi nơi, sử dụng mọi tiểu xảo, thủ đoạn để lấy lòng tin của người xem, bất chấp hậu quả. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng. Cụ thể, các cấp, ngành tùy theo lĩnh vực mình quản lý cần tăng cường rà soát các nội dung quảng cáo đăng tải trên mạng xã hội để có biện pháp cảnh báo người dân, xử lý đơn vị, cá nhân kinh doanh trái phép, không phép, quảng cáo sai sự thật. Ðồng thời yêu cầu các nền tảng trực tuyến có trách nhiệm kiểm soát nội dung quảng cáo được đăng tải. Bên cạnh đó, người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cụ thể, mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội cần hết sức tỉnh táo, thận trọng, lựa chọn thông tin tin cậy. Không nhẹ dạ tin theo, sử dụng các sản phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm định chất lượng rao bán trên mạng xã hội, để các quảng cáo này không còn đất sống. Ðồng thời, người dân cũng cần nhanh chóng báo cơ quan chức năng những nội dung quảng cáo có dấu hiệu sai phạm để có biện pháp xử lý kịp thời. Chỉ khi có sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng thì vấn nạn quảng cáo rác trên các mạng xã hội mới từng bước được ngăn chặn và loại bỏ.