“Kích” kinh tế bằng đổi mới sáng tạo

Nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế cho thấy, cú sốc về kinh tế từ đại dịch Covid-19 lớn hơn nhiều so với cú sốc từ cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á (năm 1997) và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008). 

Hai cú sốc này làm cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức là 4,77% (năm 1999) và 5,4% (năm 2009), nhưng vẫn còn khá cao so với mức tăng trưởng của năm 2020, là 2,91%. Năm 2020, Việt Nam đạt được “mục tiêu kép”, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, được thế giới ca ngợi là hình mẫu trong cuộc chiến chống Covid-19. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy chỉ đạt 2,91%, nhưng cao hơn nhiều nước trên thế giới và khu vực. Các chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn “hậu Covid-19” dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Có nhiều ngành bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, song cũng có nhiều nhóm ngành được hưởng lợi. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến người lao động đang làm việc trong tất cả các ngành, nghề, trong đó một số ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng rất lớn là: Du lịch, hàng không, thể thao và giải trí, vận tải kho bãi... Dịch Covid-19 đặt nền kinh tế nước ta dưới nhiều thách thức, nhưng cũng tạo cơ hội trong thúc đẩy nhanh nền kinh tế chuyển đổi số. Tuy nhiên thực tế hiện nay, phần lớn doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có sự chuẩn bị để tiếp cận cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Theo nghiên cứu thống kê, chưa tới 15% số doanh nghiệp có ý tưởng về tích hợp yếu tố CMCN 4.0 vào chiến lược phát triển cho mình; mới có khoảng 6% số doanh nghiệp đã và đang thực hiện chiến lược CMCN 4.0; hơn 77% số doanh nghiệp không sử dụng công nghệ nào được xem là nền tảng của cuộc cách mạng này từ trí tuệ nhân tạo đến in-tơ-nét kết nối vạn vật… Điều đó đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về vai trò của CMCN 4.0, tận dụng nó để nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Thực tế cho thấy, dịch Covid-19 có tác động đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, tạo ra các nhân tố mới khiến việc thực thi chính sách kích thích nền kinh tế trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, theo các nhà khoa học, cần tập trung ưu tiên vào giải cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng  tăng trưởng cao, tạo năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế trong dài hạn. Các ngành hàng thuộc diện giải cứu cần tính đến mức độ hưởng lợi, cũng như thiệt hại của ngành đó từ đại dịch. Đồng thời, xây dựng, triển khai sớm chiến lược chuyển đổi số, thực hiện giải pháp cơ cấu lại ngành, hàng. Đưa ra các quy định, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số phải hữu hiệu, an toàn.
 
Mặc dù dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực, khi vắc-xin phòng ngừa bắt đầu được tiêm phòng tại một số quốc gia và sẽ mở rộng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ nền kinh tế cũng đang được nhiều nước triển khai... Vì thế, nền kinh tế thế giới sẽ “ấm” dần lên, kéo theo hoạt động đầu tư, thương mại của kinh tế nước ta cũng sẽ khởi sắc. Vì vậy, phải thay đổi tư duy, lấy công nghệ thông tin và chuyển đổi số là trụ cột để nâng đỡ quá trình phục hồi kinh tế, tăng trưởng theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững. 

Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học, công nghệ và tiệm cận dần với giai đoạn của đổi mới sáng tạo. Đây là cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. Việc đổi mới tư duy và thể chế chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ và huy động sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước là yếu tố quan trọng cho khoa học, công nghệ phát triển. Đồng thời huy động nguồn lực cần thiết cho đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là vô cùng cần thiết.