Không nên đánh thuế với “một miếng khi đói”

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) không có đơn hàng, buộc phải cắt giảm lao động. 
 

Sáng 20-6, Công ty PouYuen Việt Nam chính thức có cuộc trao đổi với gần 3.000 công nhân thuộc diện cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng của dịch. Số nhân sự thuộc diện cắt giảm thấp hơn 50% so với dự kiến ban đầu là 6.000 người. Ngoài những khoản trợ cấp theo quy định do cơ quan Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh chi trả, Công ty PouYuen Việt Nam chi trả thêm cho công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động với mỗi năm làm việc tại công ty, mỗi hợp đồng bị chấm dứt sẽ nhận một khoản trợ cấp tương đương một tháng lương. Do đó, có trường hợp ghi nhận mức trợ cấp cao nhất gần 300 triệu đồng/người và thấp nhất là ba triệu đồng do mới vào làm việc. Với tinh thần chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp (DN), phần lớn công nhân đồng tình với chính sách của công ty và đồng ý ký bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, trong bảng lương trợ cấp thôi việc, Công ty PouYuen Việt Nam khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 10%, khiến nhiều công nhân bị trừ thuế vài chục triệu đồng. Mặc dù Công đoàn công ty đã giải thích số tiền giảm trừ sẽ được công ty nộp lại cho ngành thuế; sau khi giảm trừ gia cảnh, công nhân sẽ được hoàn lại, song, việc giải thích này không nhận được sự đồng tình của những người lao động (NLĐ) mất việc, gây tâm lý  hoang mang, bức xúc bởi họ cho rằng, bản thân đã mất việc, sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, đã gọi là trợ cấp thôi việc mà vẫn phải đóng thuế là vô lý.

Sự việc này gây ra nhiều tranh luận. Các luật sư cho rằng, DN căn cứ vào khoản I, điểm 1, Điều 25 của Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15-8-2013 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thuế TNCN, khấu trừ 10% trên khoản trợ cấp thôi việc cao hơn quy định pháp luật là đúng. Một số ý kiến khác cho rằng, DN đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, theo quy định của Điều 44, Điều 48 và Điều 49 Bộ luật Lao động năm 2012, có nghĩa là công ty không có nghĩa vụ phải trả trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc trong thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Khoản tiền hỗ trợ thôi việc mà công ty chi trả thực chất không phải là trợ cấp mất việc làm, không phải trợ cấp thôi việc, không thuộc diện thu nhập được miễn thuế TNCN mà là một khoản trợ cấp thêm, nằm ngoài, cao hơn chế độ trợ cấp mà Bộ luật Lao động quy định. Do vậy, khoản tiền này thuộc đối tượng phải chịu thuế TNCN.

Tìm hiểu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của NLĐ công ty, được biết, khi được công ty trợ cấp một khoản tiền, thoạt nhìn tưởng là lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, phần lớn các DN bị ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, NLĐ không thể tìm kiếm được việc làm ngay. Việc vài chục triệu đồng nếu không bị trừ thuế sẽ có thể giúp một gia đình sống được vài tháng. Bên cạnh đó, hầu hết công nhân của Công ty PouYuen Việt Nam bị chấm dứt hợp đồng lao động đều là những công nhân lớn tuổi hoặc mới vào nghề, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Do vậy, khoản tiền được công ty trợ cấp chỉ dành để trả nợ, tằn tiện sống trong thời gian chờ tìm công việc mới, chứ không ai dám nghĩ tới chuyện học nghề, chuyển đổi công việc tốt hơn, ổn định hơn trong tương lai. Số tiền mà Công ty PouYuen Việt Nam chi trả công nhân trong thời gian này không chỉ là trợ cấp thôi việc bình thường, mà dành cho những người bị mất việc làm trong giai đoạn nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. NLĐ cho rằng, Nhà nước miễn giảm thuế cho DN bị ảnh hưởng dịch bệnh, tại sao không thể miễn giảm cho khoản trợ cấp mà công nhân nhận được bởi lý do mất việc vì dịch Covid-19. UBND quận Bình Tân đã có kiến nghị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh xem xét đề nghị của công nhân về việc không thu 10% thuế TNCN đối với khoản trợ cấp của Công ty PouYuen Việt Nam chi trả.

Với một công ty lớn như Công ty PouYuen Việt Nam có số lao động lên tới gần 62 nghìn người, khi dịch bệnh xảy ra, phải cắt giảm lao động là điều không mong muốn. Nhằm chia sẻ, hỗ trợ NLĐ từng cống hiến cho DN, công ty đã có động thái hỗ trợ, trợ cấp cho những công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động là việc làm đáng biểu dương. Đành rằng, việc tính thuế TNCN cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, song cơ quan chức năng cần phải xem xét ở góc độ nhân văn, nếu không sẽ mất đi ý nghĩa hỗ trợ đối với khoản tiền trợ cấp mà NLĐ nhận được trong lúc gặp tình cảnh khó khăn, mất việc làm. Vụ việc được giải quyết thỏa đáng, sẽ trở thành tiền lệ cho các DN khác..., cải thiện phần nào cuộc sống của NLĐ.