Cùng suy ngẫm

Không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Số người mắc, số người chết tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo các nước có số người nhiễm Covid-19 giảm vẫn có thể đối mặt với "làn sóng thứ hai" nếu sớm kết thúc các biện pháp an toàn. Tại Việt Nam, hơn 40 ngày qua không có ca mắc Covid-19 ở cộng đồng, nhưng vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các người bệnh mắc Covid-19 trở về từ nước ngoài, được cách ly ngay khi nhập cảnh, cho nên không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế cảnh báo, bên cạnh nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập từ nước ngoài vào rất lớn, Việt Nam còn đang phải đối mặt nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nội tại từ trong nước như sốt xuất huyết (SXH), tay, chân, miệng (TCM), bệnh do vi-rút Zika và một số dịch bệnh mùa hè khác.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 27 nghìn trường hợp mắc SXH tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có ba người chết. Ðáng lo ngại, trong những tuần gần đây, số mắc SXH có xu hướng gia tăng tại các tỉnh: Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Ðồng Nai và TP Hồ Chí Minh… Mới đây, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam cũng ghi nhận một trường hợp mắc bệnh do vi-rút Zika (tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Ðà Nẵng). Ðây là bệnh có chung véc-tơ truyền với SXH hiện vẫn ghi nhận rải rác tại một số tỉnh, thành phố phía nam trong những năm gần đây.

Theo các chuyên gia y tế, mùa hè, nắng nóng gia tăng là thời điểm dễ bùng phát nhiều dịch bệnh, nhất là các tỉnh, thành phố phía nam bắt đầu bước vào mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH; bệnh do vi-rút Zika có nguy cơ bùng phát, lây lan tại cộng đồng. Do vậy, bên cạnh việc phòng, chống dịch Covid-19 một cách có hiệu quả, UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực triển khai biện pháp phòng, chống dịch, tránh để xảy ra tình trạng "dịch chồng dịch" tại địa phương mình. Ngành y tế giám sát chặt chẽ tình hình người bệnh, nắm chắc các ổ dịch SXH, TCM; lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi-rút Zika để xét nghiệm khẳng định nhằm triển khai các biện pháp phòng, chống.

Các địa phương tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, bảo đảm tất cả các hộ gia đình được phun hóa chất theo chỉ định của ngành y tế. Phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát tại các khu vực có nhiều người bệnh, các ổ dịch kéo dài; kiểm tra các công trường xây dựng, trường học, khu vực công cộng, khu nhà trọ… nhằm xử lý kịp thời các ổ dịch, không để dịch lây lan. Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị người bệnh, điều trị đúng phác đồ, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện tốt việc phân loại người bệnh, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng người bệnh đến bệnh viện muộn không được cấp cứu, điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện.

Một trong những yếu tố quan trọng để phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, đó là ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân cần được phát huy cao nhất bằng việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh tại gia đình và cộng đồng mà các cơ quan chuyên muôn đưa ra. Ðồng thời, tích cực đấu tranh, lên án và thông báo kịp thời đến chính quyền, các cơ quan chức năng những tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định trong phòng, chống dịch, nhất là các trường hợp che giấu dịch, bệnh tại nơi mình sinh sống… Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực, chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội và người dân, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống y tế từ T.Ư đến địa phương, Việt Nam không chỉ khống chế thành công dịch Covid-19, mà sẽ còn chủ động phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh khác trong nước, không để xảy ra "dịch chồng dịch" tại các địa phương.