Khôi phục sản xuất sau mưa, lũ

Đợt mưa, lũ do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới trong gần một tháng qua gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở các tỉnh miền trung. Theo thống kê, mưa, lũ ở năm tỉnh miền trung là: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam khiến hơn 9.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, ngập úng, hư hỏng; gần 100.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Hiện nay, nước đã rút, vì vậy các địa phương cần nhanh chóng hướng dẫn, giúp đỡ người dân vệ sinh đồng ruộng, khôi phục diện tích bị ảnh hưởng nhẹ, gieo trồng lại ở những diện tích bị ngập úng nhằm bảo đảm sản xuất.

Mặc dù gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp nhưng xét về mặt tích cực, mưa, lũ làm rửa trôi, vệ sinh đồng ruộng và xử lý nguồn sâu bệnh, cung cấp lượng phù sa màu mỡ cho đất.

Theo dự kiến, diện tích ngô, rau màu gieo trồng lại sau mưa, lũ ở các địa phương bị lũ lụt vừa qua khoảng 39 nghìn ha, trong đó ngô khoảng 25,5 nghìn ha, rau màu 13,3 nghìn ha. Tuy nhiên, do mưa, lũ, ngập úng kéo dài khiến lượng giống cây trồng bị thiếu hụt nhiều, ảnh hưởng gieo trồng lại sau khi nước rút. Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương rà soát, tổng hợp diện tích lúa, hoa màu…  bị thiệt hại để có cơ chế, chính sách hỗ trợ giống giúp người dân khôi phục, bảo đảm sản xuất trở lại bình thường. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn địa phương cần tham mưu UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ hạt giống từ nguồn dự trữ quốc gia để kịp thời khôi phục sản xuất.

Trước mắt, các địa phương cần chủ động khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng; tận dụng hạt giống cây trồng dự trữ tại địa bàn để sẵn sàng gieo trồng lại. Ðối với diện tích rau màu bị thiệt hại hoàn toàn, các địa phương cần chuẩn bị hạt giống để sẵn sàng trồng lại khi thời tiết thuận lợi, nhất là các loại rau ngắn ngày nhằm bảo đảm nguồn cung cấp cho thị trường, không để tình trạng khan hiếm rau xảy ra. Bên cạnh đó, các địa phương cần khuyến cáo bà con nông dân chỉ tiến hành gieo trồng lại khi thời tiết hết mưa, tạnh ráo. Các cơ quan chức năng xây dựng tài liệu hướng dẫn giải pháp khôi phục sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả; phân công cán bộ kỹ thuật bám sát tình hình sản xuất, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để cùng người dân có biện pháp ứng phó kịp thời.

Ðối với cây ăn quả đang ngập úng, người dân cần đào rãnh, khơi thông dòng chảy, bơm hút nước trong vườn ra ngoài để cây hồi phục. Những vườn đã rút nước cần tập trung xới đất, phá váng lớp đất mặt ở vùng tán cây giúp đất thông thoáng, giảm tổn thương và tái sinh rễ mới. Cùng với đó, người dân cần theo dõi thường xuyên vườn cây, nhất là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Khi bộ rễ cây phục hồi, tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá để tăng khả năng hồi phục. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng ở các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp, kiên quyết không để các đối tượng lợi dụng lúc khó khăn do thiên tai để buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng xấu đến sản xuất, gây thiệt hại cho bà con nông dân…